Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Đức Thọ: 'Đi cũng dở, ở chẳng xong'!

Những năm trước không tuyển sinh được nên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Đức Thọ nằm trong lộ trình phải giải thể. Trớ trêu ở chỗ, 2 năm lại nay, học sinh tìm đến ngày càng đông và dự báo sẽ còn tăng nhanh khiến nhà trường bối rối… 'đi cũng dở, ở chẳng xong'.

Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ cách đây 2 năm chủ yếu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Từ năm 2012 – 2017 là giai đoạn khó khăn nhất đối với các Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (nay là GDNN - GDTX) trên địa bàn Hà Tĩnh bởi lượng học sinh theo học ngày càng ít. Thậm chí, ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đức Thọ có năm không tuyển sinh được em nào vào học.

Trong bối cảnh đó, ngày 7/2/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 433/QĐ – UBND về việc “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030".

Theo đó, sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy hoạt động ở một số cơ sở đào tạo nghề; đồng thời quyết định giải thể Trung tâm GDNN – GDTX huyện Đức Thọ giai đoạn 2016 - 2020 (quyết định không nêu rõ thời gian cụ thể về việc giải thể).

... với các ngành nghề chủ yếu như: sửa chữa ô tô, hàn xì...

Cũng vì lẽ đó, 6 giáo viên (trong đó có 5 giáo viên dạy văn hóa: toán, lý, hóa, văn...) của Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ buộc phải chuyển về dạy tại các trường THCS trên địa bàn huyện Đức Thọ và 1 giáo viên chuyển vào công tác tại tỉnh Quảng Trị.

"Từ chỗ 16 giáo viên, Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ chỉ còn lại 10 người. Giai đoạn này, đơn vị chủ yếu tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi năm, có khoảng 150 - 200 học viên theo học, chủ yếu là các ngành nghề: hàn, sửa chữa ô tô; kỹ thuật chế biến nấu ăn; kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm; trồng cây ăn quả có múi, trồng rau an toàn trồng nấm…” - Quyền Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ Nguyễn Tuấn Hoàn cho biết.

Năm học 2018 - 2019, bất ngờ có 66 học sinh đăng ký theo học văn hóa tại Trung tâm...

Điều bất ngờ là, năm học 2018 - 2019, “bỗng dưng” xuất hiện 66 học sinh đăng ký theo học văn hóa tại Trung tâm. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đơn vị phải ký kết hợp đồng với các giáo viên dạy các bộ môn văn hóa.

Năm học 2019 – 2020, lượng học sinh theo học tăng lên 117 em, nâng tổng số học sinh học văn hóa lên 183 học sinh (trong đó có 66 học sinh lớp 11 và 117 học sinh lớp 10). Lượng học sinh tăng đột biến trong 2 năm gần đây đã gây ra không ít khó khăn cho Trung tâm trong việc tìm kiếm giáo viên hợp đồng đứng lớp dạy văn hóa.

Năm học này, số học sinh theo học văn hóa tăng lên 183 em nên Trung tâm gặp khó khăn khi hợp đồng giáo viên dạy các môn văn hóa.

Nỗi lo này ngày càng lớn, bởi theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” và Nghị quyết 96/2018/HĐND tỉnh ngày 18/7/2018 về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh thì “Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 có 30% học sinh, đến năm 2025 có 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục được đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Võ Đức Thuận – Phó Cơ quan Tổ chức Nội vụ Đức Thọ cho rằng: “Lượng học sinh tăng và dự báo còn tăng nhanh trong những năm tiếp theo sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Trung tâm GDNN – GDTX Đức Thọ bởi tình trạng thiếu hụt nhiều giáo viên văn hóa. Trong khi đó, việc điều chuyển, bố trí giáo viên hệ THPT thuộc thẩm quyền của Sở GD&ĐT, nằm ngoài tầm của huyện. Tuy nhiên, do “vướng” Quyết định số 433/QĐ – UBND (như đã nêu ở trên) nên các sở: Nội vụ, GD&ĐT cũng không thể thực hiện được".

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có cơ sở hạ tầng đồng bộ Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ hiện đang là điểm lựa chọn của nhiều học sinh vùng nông thôn, trong đó có học sinh đến từ tỉnh Nghệ An.

Ngày 10/9/2019, UBND huyện Đức Thọ có Tờ trình số 3030/TTr - UBND về việc xin giữ lại Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ với quan điểm “ngoài giáo dục thường xuyên, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ UBND huyện giao đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ".

Hơn nữa, Trung tâm có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, nếu giải thể sẽ lãng phí trong khi nhu cầu theo học GDTX gắn với học trung cấp nghề trên địa bàn ngày càng có xu hướng gia tăng.

Chính quyền địa phương và Trung tâm GDNN - GDTX Đức Thọ đang mong một quyết sách kịp thời của tỉnh để có định hướng về công tác giáo dục, dạy nghề; xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu.

Hoài Nam - Thăng Long

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/giao-duc/trung-tam-giao-duc-nghe-nghiep-gdtx-duc-tho-di-cung-do-o-chang-xong/181018.htm