Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An: Nơi chắp cánh ước mơ

Được mệnh danh là nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật ở Nghệ An, hơn 40 năm qua, Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An đã giúp hàng nghìn trẻ khuyết tật vươn lên đảm bảo cuộc sống và thực hiện ước mơ của mình.

Nằm trong khu phố khá yên tĩnh, Trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An từ lâu đã trở thành mái ấm nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ khuyết tật. Ở đó, những cán bộ, giáo viên đang ngày ngày vượt lên khó khăn để dạy học, điều trị cho trẻ khuyết tật. Có những lớp học đặc biệt không có phấn trắng, bảng đen, cô trò ngồi quây quần trao đổi để hòa nhập cộng đồng. Có những lớp học có phấn trắng bảng đen nhưng chẳng nghe thấy tiếng cô giáo giảng bài mà thay vào đó là những nét chữ được viết to hơn bình thường, những cử chỉ và động tác diễn tả thay lời nói. Ngồi phía dưới là những khuôn mặt ngơ ngác và cả những học trò luôn tay luôn chân bởi mắc chứng bệnh tăng động mất kiểm soát.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề cũng là chừng ấy thời gian cô Bùi Thị Lài cùng khóc, cùng cười, cùng tập nói với những em nhỏ khuyết tật nơi đây. Cô tâm sự: “Mỗi em đến trung tâm là một cảnh đời, bị một căn bệnh và biểu hiện khác nhau. Vì vậy, hàng ngày ngoài điều trị và dạy ngôn ngữ, các cô giáo còn chăm lo từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn ngủ của các em. Phải nói nhiều, phát âm lớn để các em nghe và học theo, cố gắng không để các em bị tổn thương. Khó khăn nhiều lắm…”

Các em học sinh học thêu tại Trung tâm

Các em học sinh học thêu tại Trung tâm

Năm học 2018 – 2019 Trung tâm tiếp nhận 255 em, 150 em nội trú. Trung tâm thành lập Ban tuyển sinh. Công tác tuyển sinh được thực hiện tại Trung tâm, khám tuyển đúng đối tượng, đảm bảo yêu cầu. Năm học vừa qua học sinh nhỏ tuổi vào ở nội trú tương đối đông được phối hợp quản lý chặt chẽ nên học sinh đã sớm ổn định nề nếp. Đa số học sinh thực hiện khá tốt nội quy, quy định của trung tâm đề ra. Khu nội trú an toàn, gọn gàng, sạch sẽ. Đội tự quản hoạt động có hiệu quả thiết thực. Học sinh vui vẻ, hòa đồng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Giáo viên, quản sinh thường xuyên nhắc nhở học sinh tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc. Trong năm Trung tâm tổ chức 2 đợt tham quan, học tập cho học sinh. Đợt 1 nhân ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12 cho học sinh nội trú tham quan, học tập ở quê nội, quê ngoại và mộ bà Hoàng Thị Loan. Đợt 2 nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 cho tất cả học sinh tham quan học tập ở Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, Đền thờ vua Quang Trung; Quảng trường Hồ Chí Minh.

Ông Phan Bùi Hải, Giám đốc trung tâm cho biết: “Để khích lệ sự cố gắng của các em, ngoài giờ học, thầy cô dành thời gian lắng nghe từng âm thanh chưa rõ, giúp các em giao tiếp, dạy các em múa hát, tăng khả năng linh hoạt của các em nhỏ vốn rất rụt rè, mặc cảm. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bộ phận nhà bếp luôn được quan tâm. Ký kết hợp đồng thực phẩm ở những nơi đảm bảo an toàn”.

Kết quả học tập năm học vừa qua có 84 em đạt loại tốt, chiếm 56%, 45 em đạt loại kháchiếm 30%, 18 em đạt trung bình chiếm 12%, 3 em loại yếu chiếm 2%.

Trong năm Trung tâm có học sinh tham gia hội thi tiếng hát người khuyết tật do Hội Bảo trợ và người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức, cả 02 tiết mục tham gia đều đạt huy chương vàng. Trung tâm phối hợp với Hội người khuyết tật tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thi tay nghề cho người khuyết tật trong tỉnh. Học sinh trung tâm có 14 em tham gia. Kết quả: Nghề thêu có 1 em giải nhất, 1 em giải nhì, 1 em đạt giải ba; nghề mộc: 1 em đạt giải nhất, 1 em đạt giải nhì; nghề may: 2 em đạt giải khuyến khích.

Ông Hải cho biết thêm: “Mặc dù đã được các cơ quan tỉnh, sở LĐ-TB&XH, Bộ LĐ-TB&XH, các tổ chức, cá nhân quan tâm nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn như: Cơ chế chính sách đối với công tác giáo dục, dạy nghề còn bất cập. Kinh phí theo định mức mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao quá thấp, chế độ phục vụ nội trú quá khó khăn. Chương trình khung đối với dạy nghề, sách giáo khoa đối với dạy văn hóa chuyên biệt cho học sinh khuyết tật còn thiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được bổ sung, đầu tư tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn thiếu, một số trang thiết bị quá thời gian quy định sử dụng hay hỏng hóc như: máy học nghề mộc, nghề may. Trung tâm phải tận dụng sửa chữa để đảm bảo cho học sinh thực hành và học tập…”

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nghe-an-noi-chap-canh-uoc-mo-cho-nhung-so-phan-khong-may-man-d100117.html