Trung tâm đăng kiểm 'nở rộ,' nhiều bất cập trong quản lý

Từ năm 2019 trở lại đây, với việc gỡ bỏ quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này.

Đăng kiểm viên đang thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đăng kiểm viên đang thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sau khi thực hiện xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là xóa bỏ quy hoạch trung tâm đăng kiểm đã dẫn đến sự phát triển nóng các trung tâm đăng kiểm thời gian gần đây.

Điều này bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh, cần sớm giải quyết.

Ông Đặng Việt Hà, Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa.

Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, với việc gỡ bỏ quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư.

Theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ 1/1/2019), tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực theo quy định tại nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông Vận tải ban hành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Như vậy, việc thành lập các đơn vị đăng kiểm chỉ quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền, nhân lực, không hạn chế các tổ chức tham gia và số lượng các đơn vị đăng kiểm được thành lập mới.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy chỉ tính riêng năm 2019 - năm bắt đầu xóa bỏ quy hoạch đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Con số này tương đương với số trạm đăng kiểm của 3-4 năm cộng lại vào thời điểm trước năm 2019.

Nếu tính đến hết tháng 11 vừa qua, số lượng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới của cả nước là 232 đơn vị đăng kiểm. Trong đó, có 127 đơn vị đăng kiểm xã hội hóa được thành lập mới từ năm 2005. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 28 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động.

Ngoài con số trên, hiện có trên 40 đơn vị đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm mới, đã được cấp mã số đơn vị đăng kiểm và đang trong thời gian xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hiện, Hà Nội là địa phương có nhiều trung tâm đăng kiểm nhất cả nước với 27 đơn vị. Tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh với 17 đơn vị.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông và bản thân các doanh nghiệp đăng kiểm, Nghị định 139/2018/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động đăng kiểm phát triển sôi động trong thời gian qua.

Để có thể cạnh tranh, các đơn vị đăng kiểm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ hiện đại; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ hướng đến khách hàng. Nhờ vậy, hoạt động đăng kiểm mang tính cạnh tranh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên.

Anh Vũ Văn Tuấn, một khách hàng đang thực hiện đăng kiểm xe tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V Hà Nội, chia sẻ: "Từ khi có nhiều trung tâm đăng kiểm tư nhân ra đời, dịch vụ đăng kiểm không còn là độc quyền. Nhiều trung tâm thay vì chờ khách đến như trước đã nhắn tin, gọi điện nhắc khách đến hạn đăng kiểm, tư vấn sửa chữa xe miễn phí…"

Các chuyên gia giao thông khẳng định không thể phủ nhận việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã giúp cho lĩnh vực này có sự phát triển đột phá trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, xã hội hóa đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập. Đáng lo ngại là sự xuất hiện của những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí là tiêu cực.

Ở góc độ kinh tế, Luật sư Lê Cao Cường, Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sự Hà Nội), nhìn nhận việc để nhiều trung tâm đăng kiểm thành lập trên cùng địa bàn mà không tính toán đến tổng lượng phương tiện đăng kiểm đã khiến nhiều đơn vị đăng kiểm rơi vào tình cảnh "ngồi chơi xơi nước" dù đã đầu tư khá nhiều tiền của.

Điều này dễ dẫn đến các đơn vị đăng kiểm sẽ cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2902V- Hà Nội cho biết, hiện nay chỉ tính quanh huyện Gia Lâm đã "mọc" lên nhiều trung tâm đăng kiểm xã hội hóa dẫn đến lượt xe cơ giới qua trung tâm thăm khám giảm mạnh. Ngoài ra, đã xuất hiện một số hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Minh chứng cho điều này là biển chỉ dẫn vào Trung tâm đăng kiểm 2902V thường xuyên bị phun sơn, thậm chí bị sửa đổi nhiều lần.

Đăng kiểm viên tiến hành kiểm định phương tiện đến đăng kiểm. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Về những vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, vào tháng 4/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm đăng kiểm 98-03D (cụm Công nghiệp Phi Mô-Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) sau khi phát hiện đăng kiểm viên của trung tâm này liên tục bị đình chỉ và cấp khống giấy chứng nhận.

Văn bản này nêu rõ: Trung tâm đăng kiểm 98-03D có hơn 5 lượt đăng kiểm viên bị đình chỉ trong 12 tháng liên tục. Nghiêm trọng hơn, trung tâm đăng kiểm này đã cấp khống giấy chứng nhận đăng kiểm cho 5 xe ôtô biển số tỉnh Lào Cai trong tháng 3/2019 dù không kiểm định xe thực tế.

Trong 11 tháng năm nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện 64 lượt kiểm tra chuyên ngành, xử lý kỷ luật đình chỉ 26 đăng kiểm viên; trong đó 19 đăng kiểm viên của các đơn vị xã hội hóa.

Trước những bất cập nảy sinh cùng với quá trình xã hội hóa đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm.

Cụ thể, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết giải pháp quan trọng của Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện là tăng cường giám sát trực tuyến qua phần mềm quản lý đăng kiểm, hình ảnh trực tuyến và lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm, kết hợp phúc tra đột xuất kết quả đăng kiểm.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới và quản lý trung tâm đăng kiểm. Việc ứng dụng công nghệ số được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để số hóa, định danh từng phương tiện, tăng tự động hóa trong kiểm định và giám sát kiểm định, dùng công nghệ chống gian lận, vi phạm chất lượng đăng kiểm.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định, xã hội hóa đăng kiểm là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu và khắc phục được những bất cập, tồn tại phát sinh, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm phải thật sự có trách nhiệm, nghiêm minh và cương quyết trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng để lĩnh vực đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu phát hiện nhiều trạm đăng kiểm sai phạm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực đăng kiểm.

Ở góc độ khác, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ giải pháp hiệu quả và bền vững để nâng cao chất lượng trong hoạt động đăng kiểm chính là phải tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ làm đăng kiểm. Khi ý thức đạo đức nghề nghiệp được nâng cao, các trường hợp cố tình sai phạm sẽ ít xảy ra./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trung-tam-dang-kiem-no-ro-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly/682670.vnp