Trung tâm bóng đá PVF, hướng đi đúng trong công cuộc xã hội hóa của Bộ VHTTDL

Hướng đi xã hội hóa trong ngành thể thao đã mang về những bước tiến đột phá cho nền thể thao Việt Nam trong thời gian gần đây.

Xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác TDTT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đứng đầu là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã không ngừng huy động nhiều nguồn lực cùng chăm lo sự nghiệp TDTT.

Ngay từ đầu năm 2017, trong cuộc gặp mặt đầu xuân với Tổng cục TDTT, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa ngành thể thao. Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ giao một số đầu việc cho các đơn vị tự chủ nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích xã hội hóa từng bộ môn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo về công tác xã hội hóa (Ảnh: Nam Nguyễn)

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lấy ví dụ: “Như ở bộ môn bắn súng, Bộ sẽ cấp kinh phí cho Liên đoàn bắn súng theo kế hoạch tập huấn mà đơn vị đã chủ động xây dựng từ đầu năm. Và Liên đoàn bắn súng phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả kinh phí đã được cấp. Nếu Liên đoàn bắn súng xã hội hóa được thì sẽ có thêm những khoản thu để đưa được nhiều VĐV đi tập huấn hơn hoặc đi tập huấn dài ngày hơn trong lĩnh vực thể thao”.

Thông qua đó sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong năm vừa qua, thể thao Việt Nam đã phát triển được nhiều tiềm năng, thế mạnh đượ̣c phát huy, khai thác có hiệu quả, nhiều loại hình TDTT được phát triển đạt được không ít thành công kể cả trong nước lẫn quốc tế.

Trên thực tế, công cuộc XHH đã được Bộ VHTTDL triển khai trong nhiều năm và đạt được nhiều thành quả đánh ghi nhận. Một trong những biểu hiện sinh động của xã hội hóa thể dục - thể thao là sự hình thành một số cơ sở thể thao tư nhân và các doanh nghiệp thể thao như Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh (Gia Lai), Trung tâm thể dục - thể thao Bảo Long (Hà Tây), trung tâm đào tạo bóng đá Viettel và mới đây nhất là sự kiện khai trương trung tâm đào tạo bóng đá PVF với ban điều hành là những chuyên gia hàng đầu của châu Âu trong lĩnh vực bóng đá là Ryan Giggs và Paul Scholes, cả hai đều từng có thời gian thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo CLB Manchester United và đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, kết quả hướng đi đúng đắn của Bộ VHTTDL (Ảnh: Nam Nguyễn)

Việc đầu tư cơ sở vật chất tốt, hiện đại như: hệ thống sân tập và sân thi đấu hiện đại; tổ hợp khoa học thể thao và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt; hệ thống kí túc…sẽ giúp PVF chuyên nghiệp hóa trong quá trình đào tạo cầu thủ, phát triển bóng đá trẻ, nhằm góp phần đào tạo ra các thế hệ cầu thủ tài năng và tâm huyết cho bóng đá Việt Nam, tiến tới mục tiêu nâng tầm bóng đá nước nhà tiệm cận đẳng cấp thế giới trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, với sự đáp ứng đủ về mặt vật chất, các trung tâm này có nhiều khả năng tổ chức được các giải thể thao cấp quốc gia và nhiều nơi đã có đủ điều kiện đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc tế lớn như U21, U18, U16, thiếu niên, nhi đồng… cũng như đủ điều kiện để đào tạo tài năng thể thao quốc gia đồng thời tăng thu nhập của cầu thủ, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước. Chính những giải đấu này đã thu hút nguồn tài trợ rất lớn của các tổ chức thể thao quốc tế (Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC, Liên đoàn bóng đá Đông - Nam Á - AFF) cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho ngành.

Có thể nói rằng, năm 2016/17 là hai năm rực rỡ nhất của ngành thể thao Việt Nam khi đạt được những thành công lớn khi gặt hái được nhiều thành công tại các đầu trường quốc tế như Olympic Rio 2016, U20 World Cup 2017, Asian Cup 2019… Không những vậy, bước sang năm 2018, ngành thể thao Việt Nam, đặc biệt là bóng đá sẽ tiếp tục vươn tầm ra thế giới với “cú ăn 6” gồm đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, U16 quốc gia, U19 quốc gia, U23 quốc gia, Đội tuyển bóng đá nữ, ĐTQG Futsal đều giành vé đi tranh tài trên các đấu trường cấp châu lục.

Điều này đã chứng minh cho hướng đi đúng đắn của lãnh đạo Bộ VHTTDL khi đưa XHH vào ngành thể thao, giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực nói riêng phát triển mạnh, cung cấp những nhân tố có chất lượng cho các cấp ĐTQG. Hy vọng rằng, với những tiền đề đang có được cùng chính sách đúng đắn, ngành thể thao Việt Nam sẽ có những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-thao/trung-tam-bong-da-pvf-huong-di-dung-trong-cong-cuoc-xa-hoi-hoa-cua-bo-vhttdl-265050.html