Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện: Đổi mới để phát triển

Qua hơn 11 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về 'Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh' (Quyết định 185), các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (gọi tắt là trung tâm) trên toàn quốc đã từng bước tạo được sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu tổ chức và chất lượng hoạt động.

Trang bị kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở

Các trung tâm đã tìm ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia nghiên cứu khoa học. Qua quá trình bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị ở cơ sở, các trung tâm ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền bá và giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, trang bị kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 57/63 tỉnh, thành phố, từ năm 2008 đến năm 2018, trung bình mỗi năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã mở được 76.472 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với 4.206.996 lượt học viên.

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, cấp ủy cấp huyện đã tăng cường mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên tại các trung tâm. Số lượng các lớp học tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị năm sau cao hơn năm trước, hình thức mở lớp phong phú, đa dạng với phương châm hướng về cơ sở, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương. Nhiều trung tâm bồi dưỡng chính trị chủ động, linh hoạt vận dụng nhiều hình thức để tổ chức lớp học tập trung và không tập trung; mở lớp tại cơ sở theo cụm xã, thị trấn, phường để tạo điều kiện cho học viên thuận lợi trong việc tham gia học tập, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê của các tỉnh ủy, thành ủy, từ năm 2014 đến nay, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã tổ chức các lớp cập nhật kiến thức với gần 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những vấn đề đặt ra trong thực hiện Quyết định 185

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quyết định số 185 có những nội dung còn thực hiện chưa nghiêm, thiếu thống nhất. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chậm đổi mới. Nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Theo Quyết định số 185, trung tâm bồi dưỡng chính trị đang trực thuộc 2 đầu mối khác nhau, vừa trực thuộc cấp ủy cấp huyện, lại vừa trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện. Điều này dẫn đến việc chưa đồng bộ trong công tác tổ chức, nhân sự, biên chế; chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản hành chính do trung tâm ban hành.

Một số chương trình giảng dạy theo quy định còn trùng lắp nội dung, thời gian bố trí chưa phù hợp. Chương trình, kế hoạch giáo dục của một số trung tâm bồi dưỡng chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nghiên cứu và vận dụng nội dung đại hội đảng bộ các cấp vào bài giảng còn khiêm tốn. Có thời điểm, một số nội dung chương trình đào tạo (sơ cấp lý luận chính trị), bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn đã lạc hậu, chưa bổ sung thông tin, kiến thức kịp thời. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ, nhất là trong hoạt động thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Một số hướng dẫn, quy định của Trung ương liên quan đến cấp phát văn bằng, chứng chỉ còn chưa thống nhất.

Mô hình tổ chức bộ máy trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, nhất là sau khi các địa phương thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... không những tổ chức việc hợp nhất chức danh, mà còn sáp nhập trung tâm với ban tuyên giáo cấp huyện. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ủy ban nhân dân các cấp... Nhiều trung tâm còn thiếu biên chế, nhất là thiếu giảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, phù hợp. Cơ cấu biên chế tại các trung tâm chưa hợp lý. Ví dụ, ở Quảng Ninh, có 5/14 trung tâm chỉ có từ 2 đến 3 biên chế; trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa chỉ có 1 biên chế. Chưa có chủ trương và bộ tiêu chí về mô hình trung tâm chuẩn, trong khi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị cấp cơ sở ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn. Một số quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên của các trung tâm bồi dưỡng chính trị bất hợp lý, nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Ví dụ, giảng viên trung tâm bồi dưỡng chính trị không được ưu tiên xét đi học cao cấp lý luận chính trị, trong khi tiêu chuẩn bắt buộc phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Chỉ có 51,93% giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Cán bộ, giảng viên của nhiều trung tâm bồi dưỡng chính trị không được hưởng phụ cấp công tác đảng hoặc phụ cấp công vụ; phụ cấp thâm niên, chế độ vượt giờ không quy định rõ ràng. Chế độ cho giảng viên kiêm nhiệm không có quy định rõ ràng. Ở một số tỉnh, lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị tương đương lãnh đạo phòng, ban cấp huyện nhưng không được chuyển ngạch lên chuyên viên chính.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhiều trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên và việc học tập của học viên. Một số trung tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các phòng học chưa trang bị được các phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, máy tính, hệ thống âm thanh, không có phòng đọc, thư viện để giảng viên và học viên nghiên cứu. Diện tích của đa số trung tâm bồi dưỡng chính trị đều chật chội, nơi ở của học viên ít và trang bị thô sơ.

Đến nay, vẫn còn hơn 60 trung tâm bồi dưỡng chính trị (chiếm gần 10%) chưa có trụ sở riêng, phải thuê mượn hội trường để mở lớp.

Đây là những bất cập đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Những bất cập, hạn chế trên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức và chất lượng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các trung tâm trên toàn quốc.

Cần sớm xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chuẩn hóa các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Để nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần có những đổi mới trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động trung tâm, trong đó, chú trọng vào những nhóm giải pháp như sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trung tâm đối với hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.

Cần xác định rõ vị trí, chức năng củatrung tâm; xác định trung tâm là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Trung tâm có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương. Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đồng thời là giám đốc trung tâm. Điều này đảm bảo thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị cho cấp ủy ở cơ sở của các ban tuyên giáo huyện ủy một cách trực tiếp, kịp thời; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Thứ hai, cần đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm. Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm đủ về số lượng, đảm bảo được chất lượng giảng dạy Đảm bảo quy định, giảng viên các trung tâm được đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp. Tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên và việc phong danh hiệu vinh dự nhà giáo… của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa trung tâm với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường sự gắn kết giữa ban tuyên giáo, trường chính trị với các trung tâm bảo đảm thực hiện thống nhất và kịp thời liên thông các nội dung có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên nói chung và hoạt động, công tác của các trung tâm nói riêng, theo chức năng, thẩm quyền.

Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với các trường chính trị tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về hướng dẫn chuyên môn đối với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo thực hiện về nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; về tổ chức bộ máy và biên chế; về chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên, học viên; về thực hiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và việc đầu tư về cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động, quản lý cơ sở vật chất của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Để đảm bảo việc tổ chức được thực hiện nghiêm túc, cần giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn thống nhất về tổ chức bộ máy và biên chế của trung tâm; phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng các tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với các chức danh giám đốc, phó giám đốc và tiêu chuẩn giảng viên trung tâm; quy định về quy trình chọn giảng viên, hướng dẫn những chế độ, chính sách liên quan; Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thống nhất mẫu văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận sau khi học viên học xong các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm và quy định tiêu chuẩn giá trị của các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận đó.

Thứ ba, cần đẩy mạnh việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Cần rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác tại các trung tâm; kịp thời bổ sung thông tin, kiến thức mới để đưa vào giảng dạy; đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Giảng viên các trung tâm cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục lý luận chính trị theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, hiệu quả thiết thực, tăng cường đối thoại, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên, tăng cường hướng dẫn các bài tập xử lý tình huống, thực hành, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, đồng thời quan tâm giáo dục hình thành bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đảm bảo kịp thời, đầy đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm. Cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chuẩn hóa các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trên toàn quốc, lấy khâu đột phá là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước; phương pháp giảng dạy; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất kỹ thuật của các trung tâm, phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn./.

Mai Yến Nga

Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị,

Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/trung-tam-boi-duong-chinh-tri-cap-huyen-doi-moi-de-phat-trien-125335