Trung tá quân đội lật đổ tổng thống Burkina Faso

Binh lính nổi dậy cho biết công chúng đã 'chán ngấy' Tổng thống Roch Marc Christian Kabore vì ông không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của những tay súng Hồi giáo.

Hôm 24/1, quân đội Burkina Faso tuyên bố đã giành chính quyền, lật đổ Tổng thống Roch Kabore sau khi một nhóm binh sĩ ồ ạt xông vào dinh thự của ông trong cuộc đảo chính quân sự bất ngờ.

Tổng thống Roch Marc Christian Kabore (64 tuổi), lãnh đạo Burkina Faso, một quốc gia nghèo châu Phi không giáp biển với 21 triệu dân kể từ năm 2015.

Ông tái đắc cử vào năm 2020 trên cơ sở cam kết ưu tiên cho cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực của các nhóm thánh chiến khiến người dân thất vọng trước sự bất lực và thất bại của chính quyền.

Ông Kabore đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của công chúng về việc chính phủ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công khiến 1,4 triệu người phải di tản và 2.000 người thiệt mạng trong năm 2021.

Kết quả, một làn sóng phản đối công khai cùng với sự bất bình gia tăng trong quân đội những tháng gần đây đã châm ngòi cho cuộc đảo chính đầu tuần này.

 Tổng thống Roch Marc Christian Kabore vào năm 2020. Ảnh: AFP.

Tổng thống Roch Marc Christian Kabore vào năm 2020. Ảnh: AFP.

Bà Adjara Dera, một người tham gia vào đám đông đang tưng bừng ăn mừng cuộc đảo chính tại quảng trường thủ đô Ouagadougou, chia sẻ: “Tôi phát ngán với ông ấy (Tổng thống Roch Kabore)”.

“Bạn bè của chúng tôi đã chết, các cảnh sát của chúng tôi đã chết. Thế nhưng, chính phủ không có động thái gì. Chúng tôi phát ngán với điều này", bà nói.

Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc đảo chính ở khu vực châu Phi Hạ Sahara những năm gần đây. Tuy nhiên, liệu cuộc binh biến lật đổ chính phủ này có mang lại sự “cứu rỗi” cho người dân và binh sĩ đang tuyệt vọng giữa lúc bạo lực Hồi giáo gia tăng hay không vẫn còn phải xem xét, theo New York Times.

Binh biến nổ ra

Cuộc đảo chính được công bố trên kênh truyền hình nhà nước vào chiều 24/1. Sau khi cắt ngang chương trình về buôn bán cá, một sĩ quan trẻ xuất hiện, thông báo tin tức gây sốc: Quân đội đã đình chỉ Hiến pháp và giải tán chính phủ, đồng thời đóng cửa biên giới đất nước cho đến khi có thông báo mới.

Với những lý do quen thuộc trong các cuộc đảo chính quân sự, người phát ngôn cho biết lực lượng vũ trang đã hành động dựa trên ý thức trách nhiệm với đất nước và phản hồi với "nỗi tức giận của nhân dân".

Ngồi bên cạnh anh ta là trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba, chỉ huy của một trong ba quân khu của đất nước, và đồng thời là nhà lãnh đạo mới của Burkina Faso.

Người phát ngôn không đưa ra thêm thông tin về nơi ở của Tổng thống Kabore, hay liệu ông có đồng ý từ chức hay không, mà chỉ cho biết cuộc bắt giữ "không đổ máu" và ông cùng các nhà lãnh đạo dân sự khác đang "ở một nơi an toàn".

Quân đội Burkina Faso tuyên bố đã giành chính quyền trên truyền hình nhà nước. Ảnh: New York Times.

Trước đó, những rắc rối của ông Kabore bắt đầu vào hôm 23/1 khi binh lính chiếm giữ một số căn cứ quân sự ở thủ đô và ít nhất hai thị trấn ở các tỉnh.

Các nhân viên cảnh sát chống bạo động đã đụng độ với những người biểu tình dân sự ủng hộ quân đội ở Ouagadougou. Họ đã phải bắn hơi cay để ngăn cản đám đông tiếp cận quảng trường trung tâm.

Thế nhưng, bất chấp nỗ lực của chính phủ, những người lính vẫn giữ quyền kiểm soát tại các căn cứ. Sau khi yêu cầu cải cách sâu rộng chiến dịch chống lại các tay súng Hồi giáo, bao gồm cách chức nhiều tướng quân đội, binh sĩ đã quay sang chống lại chính tổng thống.

Những tiếng súng nổ lẻ tẻ gần tư dinh của ông Kabore trong khu phố sang trọng nhất thủ đô bắt đầu vào cuối ngày 23/1 và kéo dài hàng giờ.

Tờ mờ sáng, một số xe bọc thép của đoàn xe chở tổng thống được tìm thấy bị bỏ lại gần tư dinh. Nhiều xe trong số đó chi chít vết đạn sau vụ đấu súng.

Một số báo cáo cho biết binh lính đã bắt giữ Tổng thống Kabore và gây áp lực buộc ông phải từ chức.

Theo một quan chức cấp cao phương Tây, người đã yêu cầu được giấu tên, có dấu hiệu cho thấy ban đầu, ông Kabore không chấp nhận yêu cầu từ phía quân đội khi ông được một đơn vị bán quân sự bảo vệ. Đây cũng là nhóm đại diện cho ông đàm phán với lực lượng đảo chính.

Vào buổi chiều, tài khoản Twitter của ông Kabore đã đăng một thông điệp kêu gọi người dân ủng hộ khi nền dân chủ “lung lay".

"Đất nước chúng ta đang trải qua những thời khắc khó khăn. Vào đúng thời điểm này, chúng ta phải bảo vệ những chuẩn mực xã hội dân chủ. Tôi đề nghị các binh sĩ hạ vũ khí vì lợi ích của quốc gia", theo nội dung đăng tải trên tài khoản Twitter của Tổng thống Roch Kabore.

Nhưng vài giờ sau, những người lính xuất hiện trên truyền hình và thông báo rằng họ đã nắm quyền.

Các cuộc biểu tình diễn ra ở Ouagadougou hôm 23/1 giữa lúc binh lính chiếm giữ một số căn cứ quân sự ở thủ đô. Ảnh: New York Times.

Ông Rinaldo Depagne, một chuyên gia về Burkina Faso tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết ông Kabore chưa bao giờ quan tâm nhiều đến các vấn đề quân sự. Số phận của ông đã được “định đoạt” khi làn sóng phẫn nộ ngày càng tăng trong công chúng, bởi họ tin rằng chính quyền Kabore không có khả năng đánh bại mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo.

“Ông ấy không phải là một nhà lãnh đạo quá tệ hay tham nhũng. Nhưng rõ ràng là mọi người đang nghĩ rằng một người đàn ông mặc quân phục với súng lớn có khả năng bảo vệ họ tốt hơn tổng thống được bầu một cách dân chủ”, ông Depagne cho biết.

Người lãnh đạo mới, trung tá Damiba, không được nhiều người biết đến ở Burkina Faso. Được đào tạo tại Trường Quân sự Paris, trước đây ông từng thuộc lực lượng cận vệ của cựu tổng thống Blaise Compaore. Sau khi đơn vị này bị giải tán, ông được đưa vào quân đội chính quy và dần dần thăng cấp.

Hai tháng trước, trung tá Damiba được trao quyền chỉ huy một trong ba quân khu ở Burkina Faso, phụ trách an ninh của thủ đô Ouagadougou giữa lúc sự bất mãn ngày càng tăng trong quân ngũ.

Tương lai không chắc chắn

Vào hôm 24/1, trước khi cuộc đảo chính được chính thức công bố, một số người dân thủ đô đã hoan nghênh kết quả này.

Một đoàn thanh niên đã đi xe máy lạng lách qua trụ sở cơ quan phát thanh truyền hình nhà nước, nơi các binh sĩ trong cuộc binh biến đứng gác cổng, để bấm còi và cổ vũ.

Tại một chợ điện thoại di động gần đó, Kudougou Damiba đã khuỵu gối để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với cuộc đảo chính sắp xảy ra.

"Chúng tôi được cứu!", anh ấy hô to. “Cuối cùng thì (Tổng thống) Roch cũng biến mất rồi”.

Damiba mô tả tổng thống là “tác giả” cho sự bất hạnh của chính mình. “Thay vì hợp nhất mọi người, Roch lại chia rẽ họ”, ông nói. “Và điều đó đã cho phép các chiến binh Hồi giáo tấn công chúng tôi. Đó là sai lầm của ông ấy".

Nhiều người khác tại khu chợ cũng chia sẻ quan điểm này, thể hiện sự thất vọng của họ khi bạo lực Hồi giáo đã chia cắt một đất nước từng được biết đến là nơi chung sống hòa bình giữa người theo đạo Thiên Chúa và Hồi giáo.

“Đối với một bộ phận lớn người dân, cuộc sống trở nên khó khăn", nhà phân tích Depagne cho biết. "Họ muốn ai đổ lỗi cho ai đó".

Binh lính và người ủng hộ quân đội bên ngoài một căn cứ ở Ouagadougou. Ảnh: Reuters.

Một phần nguyên nhân được cho là do Pháp đã triển khai hàng nghìn quân đến vùng Sahel trong nỗ lực chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo, bao gồm cả ở Burkina Faso.

Nhiều người biểu tình đã bày tỏ sự giận dữ với Pháp. Một số thậm chí còn cáo buộc nước này bí mật hỗ trợ các chiến binh Hồi giáo trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng.

Nhưng một số người khác lại có cái nhìn hoài nghi hơn về việc Burkina Faso đang đi xa khỏi nền dân chủ.

Anatole Compaoré, một thanh niên 31 tuổi thất nghiệp, đã tham gia vào làn sóng biểu tình đường phố kêu gọi ông Kabore từ chức gần đây. Mặc dù vậy, anh không nghĩ rằng một quy tắc quân sự mới là giải pháp cho vấn đề.

Trước đó, khi ông Blaise Compaore, nhà lãnh đạo 27 năm của Burkina Faso, bị lật đổ vào năm 2014, quân đội “nói rằng mọi thứ sẽ thay đổi”.

“Nhưng không có gì thay đổi. Và tôi không chắc lần này sẽ có gì khác biệt”, anh nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-ta-quan-doi-lat-do-tong-thong-burkina-faso-post1292029.html