Trung tá, NSƯT Phạm Lê Nam: Đạo diễn là nghề của tôi

Đạo diễn Phạm Lê Nam mang quân hàm trung tá. Anh là một người nghệ sĩ - chiến sĩ, phó Giám đốc Điện ảnh CAND (Cục Truyền thông CAND). Khán giả biết đến anh qua những thước phim tài liệu xúc động. Phạm Lê Nam từng giành giải thưởng Cánh diều bạc cho bộ phim tài liệu 'Một tấc đất không lùi' kể về tinh thần quả cảm của những người lính trong cuộc chiến ở Vị Xuyên.

Mới đây Phạm Lê Nam lấn sân sang công việc đạo diễn âm nhạc. Chương trình đầu tiên của series "Khi gió mùa về" do anh và những người bạn nghệ sĩ tổ chức đã tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong lòng khán giả.

- Làm điện ảnh, rồi lại làm sân khấu ca nhạc, có vẻ như anh hơi "ôm đồm" quá thì phải?

+ Tôi là người làm nghệ thuật, nên cái gì mình đam mê thì mình theo đuổi. Sân khấu hay điện ảnh, âm nhạc đều là những lĩnh vực rất gần nhau, rất liên quan đến nhau, nên khi bắt tay vào, tôi không thấy điều gì xa lạ cả. Vả lại, công việc gì đi nữa thì tôi vẫn xoay quanh hai chữ đạo diễn, nó là nghề của tôi rồi mà.

Đạo diên Phạm Lê Nam (thứ 2 từ trái sang) và các nghệ sĩ cùng làm chương trình “Khi gió mùa về”.

- Nhưng sân khấu và điện ảnh đều có những đặc thù riêng. Công việc của đạo diễn cũng vì thế mà khác nhau, không thể lấy cái nọ bỏ sang cái kia được...

+ Tôi rất ý thức về việc đó, và thường làm việc một cách tỉnh táo, không để cái nọ lẫn lộn cái kia. Tôi vốn học về điện ảnh, nhưng thời gian gần đây tôi có đi học thêm công việc của đạo diễn sân khấu, để thu nạp những kiến thức cần thiết trong công việc của một người làm sân khấu. Và khi bước chân vào làm đạo diễn một chương trình âm nhạc, tôi thấy mình hoàn toàn làm chủ.

- Chương trình âm nhạc đầu tiên trong chuỗi "Khi gió mùa về" đã tạo ra một hiệu ứng tốt trong khán giả, anh và các nghệ sĩ đã có ý tưởng gì cho chương trình tiếp theo chưa?

+ Chúng tôi đang khởi động chương trình thứ 2. Đây sẽ là một live show âm nhạc về ký ức Tết. Chúng ta đang sống những ngày cuối năm 2018, chuẩn bị chào đón năm mới 2019, là thời điểm phù hợp để chúng tôi mang tới cho khán giả những câ chuyện về Tết. Theo tôi, Tết trong ký ức của những người Hà Nội gắn với những điều hết sức đẹp đẽ, thiêng liêng. Cuộc sống thay đổi nhiều rồi, Tết đã khác xưa nhiều rồi, nhưng chắc chắn trong lòng người Hà Nội mùi Tết xưa vẫn là một điều gợi nhắc về những giá trị tốt đẹp không thể nào mất đi. Tôi thích làm những gì chạm vào ký ức của khán giả...

- Chương trình sẽ diễn ra vào thời điểm nào, thưa anh?

+ Có lẽ là thời điểm sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, cũng từ ý tưởng này, tôi sẽ làm trước một chương trình ca nhạc trên kênh truyền hình ANTV dịp Tết, với nội dung khác đi một chút, gắn với hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. Chúng tôi sẽ cùng với Tuổi trẻ Cục truyền thông mang âm nhạc kêu gọi những tấm lòng nhân ái đóng góp cho trẻ em vùng cao. Đây là một chương trình có ý nghĩa từ thiện.

- Thành công của chương trình đầu tiên có tạo áp lực cho anh khi làm các chương trình tiếp theo?

+ Tôi nghĩ nó là động lực để tôi làm các chương trình tiếp theo thì đúng hơn. Mục đích của tôi và các nghệ sĩ tham gia chương trình là làm một sân khấu ca nhạc hay, hấp dẫn, nhưng hướng khán giả ra ngoài chuyện ca sĩ ngôi sao.

Cùng với đó là tạo ra thói quen mua vé cho người xem nghệ thuật. Với giá vé cực kỳ hợp lý, thấp hơn rất nhiều các chương trình khác, tôi muốn âm nhạc trở thành món ăn gần gũi với tất cả mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu, những người có thu nhập trung bình trong xã hội.

Để họ hiểu rằng việc đến nhà hát xem một chương trình ca nhạc không phải là vấn đề lớn, không phải chỉ là câu chuyện của những người giàu. Ví dụ trong chương trình đầu tiên của series "Khi gió mùa về", có một cụ già đi dép lê lên sân khấu tặng hoa cho chúng tôi. Cụ rất vui khi được xem lại, nghe lại những ký ức gió mùa bằng âm nhạc.

Tôi nghĩ, ngay cả một người tuổi cao như vậy còn có nhu cầu đến nhà hát, huống hồ những người trẻ tuổi. Vấn đề là chúng ta phải làm ra những chương trình hay, và phù hợp với tiền trong túi của đại đa số mọi người, chứ không phải chỉ là dành cho những người có thu nhập cao.

Áp lực của chúng tôi nếu có, là cố gắng làm sao để giữ chân được các khán giả chương trình đầu tiên, để họ tiếp tục đến với mình ở chương trình kế tiếp. Làm sao để họ nghĩ rằng, đây là chương trình xúc động, tử tế, tôn trọng khán giả, có văn hóa phục vụ khán giả.

Chúng tôi sẽ làm một cách kiên nhẫn, từ từ, bởi vì chúng tôi muốn đi dài hơi. Mọi thứ nếu chưa được hoàn hảo ở chương trình đầu tiên, chúng tôi sẽ lắng nghe, điều chỉnh, để những chương trình tiếp theo được tốt hơn. Chúng tôi muốn dành được nhiều nhất tình cảm của khán giả.

- Trong vai trò đạo diễn, theo anh điều gì là chưa được ưng ý ở chương trình đầu tiên cần được hoàn thiện ở chương trình tiếp theo?

+ Có thể khán giả không thấy, nhưng là đạo diễn tôi biết điều này, ở chương trình đầu tiên, các nghệ sĩ, ca sĩ chưa thuận lắm trong việc kể chuyện âm nhạc theo mạch. Trong các chương trình tiếp theo, cách kể chuyện của chúng tôi sẽ mạch lạc hơn, hấp dẫn hơn. Tôi cũng sẽ đưa nhiều mảng miếng của sân khấu, điện ảnh vào hơn, tuy nhiên âm nhạc vẫn phải là đường dây chính, chủ đạo. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để cho cái màu của âm nhạc nổi bật hẳn lên, bởi vì mỗi chương trình phục vụ một chủ đề khác nhau mà.

- Các chương trình ca nhạc hiện nay, hay hay không hay, hoành tráng hay không hoành tráng phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Muốn vậy phải có đầu tư. Tuy nhiên chương trình của anh có giá vé thấp, từ 300 ngàn đến 1,6 triệu đồng/ cặp. Sợ rằng giá vé thấp thì khó có thể có chương trình chất lượng cao cho khán giả?

+ Làm âm nhạc thì nhiều người làm. Thậm chí họ quan niệm phải đầu tư khủng, phải tạo thương hiệu, phải mời được những ca sĩ đắt giá nhất...để thu hút khán giả. Chúng tôi không chọn con đường ấy, chúng tôi không "lòe" khán giả chuyện công nghệ hay quy mô hoành tráng, mà chọn một lối đi tinh tế, chạm vào cảm xúc của khán giả.

Tuy vé bán với mức thấp, nhưng lao động của nghệ sĩ, chất xám của những người làm chương trình, kể cả những đầu tư công nghệ cần thiết, chúng tôi vẫn làm hết sức có thể. Và tôi nghĩ, vấn đề không phải chạy theo công nghệ.

Vấn đề là làm sao gây được sự xúc động trong khán giả. Với ca sĩ, tôi quan niệm việc hát và biểu diễn là để cho khán giả nên tôi đề cao chuyện họ hát như thế nào, giao lưu với khán giả ra sao, tình cảm của họ và tình cảm của khán giả có quyện vào nhau hay không. Xét cho cùng, người ta đi xem một đêm nhạc trở về, người ta nhớ những cảm xúc đó, chứ không phải yếu tố học thuật hay công nghệ, dù tôi không xem nhẹ những yếu tố này.

- Anh vốn là một người làm điện ảnh, khi bước vào lãnh địa sân khấu, lại là sân khấu âm nhạc, anh làm thế nào để bớt "tính điện ảnh" đi trong các sản phẩm âm nhạc?

+ Thực ra, vấn đề là tư duy. Khi làm việc trong lĩnh vực nào mình phải tư duy trong lĩnh vực đó. Chất điện ảnh, ở một liều lượng hợp lý, nó rất tốt khi làm âm nhạc.Tôi sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm sân khấu, và giờ tôi cũng đang theo học sân khấu, nên tôi tự tin mình có thể làm tốt được công việc của sân khấu. Tôi nghĩ, mình càng biết nhiều thứ liên quan đến nghệ thuật thì càng tốt, càng có ích khi mình làm một công việc nghệ thuật cụ thể nào đó. Và nó chính là thế mạnh của mình.

- Nói tiếp về điện ảnh, công việc chủ đạo của anh. Sau phim tài liệu "Một tấc không lùi" về cuộc chiến bảo vệ Tổ Quốc của những người lính ở mặt trận Vị Xuyên, nghe nói anh đàn làm phim truyền hình cũng đề tài này?

+ Đúng vậy, tôi sẽ làm một phim truyền hình về những người lính ở Vị Xuyên. Phim sẽ dài 30 tập và đang hoàn thiện ở khâu kịch bản. Như đã nói, đây là đề tài của cuộc đời tôi, một công việc ý nghĩa, mang tính tâm linh, tri ân những người lính đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên, nên tôi làm hết sức cẩn trọng.

- Hình ảnh những người chiến sĩ Công an và những cuộc chiến chống lại cái ác, bảo vệ bình yên cho nhân dân có thể nói là một đề tài lớn, một chất liệu giàu có, thuận lợi cho những người làm điện ảnh. Nhưng chúng ta chưa có được những phim điện ảnh hay về Công an. Thậm chí những bộ phim hay nhất về đề tài này lại do những nghệ sĩ ngoài ngành Công an sáng tạo nên. Rõ ràng, những nghệ sĩ của Điện ảnh Công an còn đang mắc nợ khán giả trong câu chuyện này. Là một đạo diễn, lại làm lãnh đạo trong Điện ảnh CAND, anh nghĩ gì về câu chuyện này?

Đạo diễn Phạm Lê Nam nhận giải thưởng Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam 2017.

+ Những người làm Điện ảnh CAND chúng tôi hiểu rằng mình đang ở trên một "mảnh đất vàng". Ở đó, có rất nhiều mỏ quặng quý chờ người nghệ sĩ khai thác để biến thành những tác phẩm hay cho công chúng thưởng thức. Những gì liên quan đến đề tài Công an, chúng tôi mới chỉ làm đúng mà chưa thật sự chạm vào trái tim khán giả, đấy là điều chúng tôi phải cố gắng tìm tòi để thoát ra, để tự nâng mình lên. Điện ảnh CAND năm vừa rồi lần đầu tiên được giải Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam.

Dĩ nhiên tôi không nói là phim của tôi, nhưng tôi muốn nói rằng, việc được Hội nghề nghiệp thừa nhận, trao giải là một sự động viên ghê gớm với những người làm nghề chúng tôi. Có nghĩa là con thuyền chúng tôi lái bắt đầu đi đúng hướng. Chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo ra các tác phẩm chất lượng về đề tài Công an. Đây là một món nợ mà chúng tôi cần phải trả cho khán giả của mình.

- Xin cảm ơn đạo diễn Phạm Lê Nam.

Hội Vũ (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/trung-ta-nsut-pham-le-nam-dao-dien-la-nghe-cua-toi-523781/