Trung Quốc: Yếu tố quyết định nhưng 'khó nhằn' trong cuộc so kè hạt nhân Nga và Mỹ

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng sẽ có thể sụp đổ nếu Trung Quốc không tham gia đàm phán.

Hiệp ước START Mới – thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa hai siêu cường Mỹ và Nga sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Giống như hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung – đã đổ vỡ trong năm nay sau khi Mỹ rời bỏ trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, START Mới không đáng để gia hạn nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.

Trang Bloomberg nhận định, nếu hiệp ước START Mới không được tiếp tục, đó không chỉ là cái kết cho nhiều thập kỷ nỗ lực giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân, mà nó còn gửi đi những tín hiệu lo ngại tới các quốc gia khác đang theo đuổi hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân – từ Arab Saudi cho tới Triều Tiên.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định, "nếu chúng ta muốn tránh một cuộc chạy đua vũ trang…, chúng ta nên đa phương hóa" hiệp ước START mới.

Tuy nhiên, ông Sam Nunn, một cựu Thượng nghị sỹ Dân chủ, đồng thời là đồng chủ tịch Sáng kiến đe dọa hạt nhân cho rằng, Trung Quốc không có số đầu đạn hạt nhân nhiều như Mỹ và Nga. "Ở một lúc nào đó, chúng ta phải có Trung Quốc trong thế cân bằng nhưng không phải bây giờ. Ý kiến chung là ít nhất gia hạn hiệp ước đã tồn tại và bắt đầu làm việc từ đó", ông Nunn nói.

Theo giới chức Nga, họ muốn hiệp định hiện tại được gia hạn thêm 5 năm nữa. Tháng trước, Ngoại trưởng Sergey Lavrov chia sẻ với báo giới, Mỹ vẫn mong muốn cả Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Moscow cũng cảnh báo, thời gian đang dần hết. Quá trình thương lượng một thỏa thuận mới sẽ cần tối thiểu một năm. Ngay cả dàn xếp gia hạn cũng cần thời gian. "Chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp Mỹ đừng để thời gian trôi qua nữa", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu.

Bất chấp những nỗ lực của Mỹ, cho tới nay Bắc Kinh vẫn tỏ ra không quan tâm tới đàm phán ba bên. Lý do Trung Quốc đưa ra là họ còn cách rất xa so với Nga và Mỹ - hai nước đang sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu.

"Mỹ và Nga là hai nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn và tối tân nhất nên cần phải chịu những trách nhiệm đặc biệt và chủ chốt về giải giáp hạt nhân", ông Fu Cong, một quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuộc diễu binh chào mừng 70 năm thành lập nước ngày 1/10/2019 (ảnh: getty)

Trung Quốc phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuộc diễu binh chào mừng 70 năm thành lập nước ngày 1/10/2019 (ảnh: getty)

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện có 9 nước đang nắm trong tay vũ khí hạt nhân với tổng số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới là 13.865 vào năm 2018.

Ước tính Trung Quốc đang sở hữu 290 đầu đạn hạt nhân nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng. Trung Quốc đã "phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động mới, một phiên bản đầu đạn hạt nhân của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ giếng phóng và một tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm", ông Robert Ashley, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ hồi tháng 5. "Sau khi công bố về máy bay ném bom chiến lược có năng lực hạt nhân mới, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện các vũ khí hạt nhân của mình nhằm chứng tỏ quyết tâm mở rộng vai trò và trọng tâm của các lực lượng hạt nhân trong quân đội".

Trong khi đó, ông Gary Samore, một cựu giám đốc cấp cao dưới thời chính quyền Clinton giải thích, để Bắc Kinh tham gia vào bất kỳ đàm phán nào cũng trở nên khó khăn vì chính những tính toán của siêu cường châu Á, bao gồm cả các mục tiêu đối phó với Ấn Độ và mở rộng chương trình vũ khí của mình.

"Cách tiếp cận ba bên không thực tế ở hiện tại bởi vì Trung Quốc sẽ không đồng ý thể chế hóa số lượng vũ khí hạt nhân vốn rất ít ỏi so với Mỹ và Nga", ông Samore nói thêm.

Sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung trong năm nay cũng đã làm dấy lên những nghi ngại cho Bắc Kinh. Bộ trưởng Esper từng "ám chỉ" Mỹ đang tìm cách triển khai các tên lửa tầm trung trước đây bị cấm tại châu Á, khiến giới chức Trung Quốc tức giận. Nơi đặt tên lửa có thể là Đài Loan hoặc Nhật Bản.

Bên cạnh Trung Quốc, đàm phán Nga-Mỹ còn bị phức tạp hóa do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau của cả hai bên. Trong khi một ủy ban giải giáp vũ trang của Liên Hợp Quốc đang mong muốn bắt đầu họp bàn vào đầu tháng này thì giới chức Nga lại không đồng ý thông qua kế hoạch nghị sự. Đây là động thái nhằm thể hiện thái độ phản đối với quyết định của Mỹ không cấp visa cho các thành viên phái đoàn Nga tới New York.

Trong một báo cáo gần đây, ông Nunn và cựu Bộ trưởng năng lượng Mỹ Ernest Moniz từng cảnh báo, không giống như thời Chiến tranh lạnh, sự xuất hiện của Internet, tình báo nhân tạo và các công nghệ không gian đã khiến phần lớn cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng. Đó có thể chính là một trong những lí do thúc đẩy Mỹ đưa Bắc Kinh vào một thỏa thuận trong tương lai.

Ông Robert Manning, một học giả cấp cao tại Hội đồng Thái Bình Dương chỉ ra, sức mạnh công nghệ và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây chứng tỏ, chính quyền Trump đã đúng khi kêu gọi cường quốc châu Á tham gia vào các cuộc đàm phán chiến lược mới, ngay cả khi việc gia hạn hiệp ước START Mới có lợi cho Washington nhiều hơn.

"Trong lịch sử Mỹ thống trị nhiều công nghệ như không gian, nhưng hiện tại Trung Quốc đang phát triển trong những lĩnh vực này", ông Manninh phân tích. "Chúng ta cần đối thoại chiến lược để giải quyết các lĩnh vực mới. Chúng ta muốn vũ khí tự điều khiển hay không? Chúng ta có cấm vũ khí siêu thanh hay không? Đó là làn sóng tiếp theo chứ không phải là có nên giảm vũ khí hạt nhân hay không".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-yeu-to-quyet-dinh-nhung-kho-nhan-trong-cuoc-so-ke-hat-nhan-nga-va-my-20191019085009343.htm