Trung Quốc xây 'siêu thủy điện', Ấn Độ ra đòn trả đũa

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc thêm một điểm mới khi Bắc Kinh đang chuẩn bị xây 'siêu thủy điện'.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 3/12 cho biết phản ứng của nước này trước việc Trung Quốc sắp xây một đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Brahmaputra.

Việc Trung Quốc dự định xây đập thủy điện trên sông Brahmaputra đã khiến Ấn Độ lo ngại. Ảnh: Reuters

Việc Trung Quốc dự định xây đập thủy điện trên sông Brahmaputra đã khiến Ấn Độ lo ngại. Ảnh: Reuters

Theo ông Srivastrava, nước này bày tỏ quan ngại trước thông tin cho biết Trung Quốc sắp xây một đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Brahmaputra tại Tây Tạng mà Trung Quốc gọi là sông Yarlung Zhangbo. Con sông này khởi nguồn từ Tây Tạng, chảy qua dãy Himalaya xuống bang Assam của Ấn Độ, và Bangladesh trước khi hòa vào sông Hằng để tạo ra một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Srivastava cho biết chính phủ Ấn Độ đang xem xét kỹ các các diễn biến mới liên quan tới sông Brahmaputra và tiếp tục làm việc chặt chẽ với nước láng giềng để giải quyết các vấn đề.

"Với tư cách là quốc gia ở hạ nguồn, Ấn Độ có quyền sử dụng chính đáng nước của các con sông xuyên biên giới. Do đó, Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm một cách nhất quán với cơ quan chức năng Trung Quốc, đề nghị đảm bảo lợi ích của các nước hạ nguồn, không để các hoạt động trên thượng nguồn gây thiệt hại. Trong một số lần tiếp xúc, phía Trung Quốc đã khẳng đình rằng họ chỉ tiến hành các dự án thủy điện trên sông, không liên quan tới việc thay đổi dòng chảy của sông Brahmaputra”.

Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mới đây cho biết nước này đang lên kế hoạch xây dựng một đập thủy điện lớn tại Tây Tạng nằm trên sông Brahmaputra.

Dự án này đã được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc và sẽ bắt đầu được triển khai từ năm 2021. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các vấn đề liên quan tới các dòng sông xuyên biên giới giữa hai nước được bàn bạc trong khuôn khổ Cơ chế cấp chuyên gia từ năm 2006, cũng như qua các kênh ngoại giao. Sông Brahmaputra có chiều dài khoảng 3.800 km, là nguồn cung cấp nước và giao thông quan trọng cho các nước trong khu vực.

Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu vận hành dự án thủy điện đầu tiên tại Zangmu ở Tây Tạng, trong khi ba con đập khác đang được xây dựng trên sông Brahmaputra.

Với việc Trung Quốc dự định xây đập thủy điện, Ấn Độ cũng đang cân nhắc xây dựng nhà máy thủy điện 10 GW trên sông Brahmaputra.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 1/12 dẫn lời ông TS Mehra tại Bộ Tài nguyên Nước Ấn Độ cho biết: “Điều cần thiết bây giờ là xây đập thủy điện lớn tại bang Arunachal Pradesh để giảm thiểu tác động của dự án ở Trung Quốc. Đề xuất của chúng tôi đang được cân nhắc ở cấp cao nhất trong chính phủ”. Theo ông TS Mehra, Ấn Độ dự định tạo nguồn trữ nước khổng lồ để bù đắp cho tác động từ đập thủy điện Trung Quốc định xây với dòng nước sông Brahmaputra.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng việc xây đập trên sông Brahmaputra có thể dẫn đến căng thẳng khác giữa hai nước láng giềng khi dự án thi công đập thủy điện của Trung Quốc tiến gần đến biên giới với Ấn Độ, bên cạnh các căng thẳng liên quan đến căng thẳng quân sự ở biên giới.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc – ông Yan Zhiyong khi phát biểu tại một hội thảo đã đánh giá việc xây đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo là “cơ hội lịch sử”.

Ông Sayanangshu Modak tại Quỹ Nghiên cứu Observer trụ sở ở New Delhi đánh giá Ấn Độ sẽ lo ngại nếu Trung Quốc xây đập thủy điện quanh đoạn khúc uốn cong của sông Yarlung Tsangpo trước khi vào biên giới Ấn Độ, khu vực con sông này nhận lượng nước quan trọng. Ông Sayanangshu Modak đồng thời nhận định khu vực này bất ổn về mặt địa lý và việc xây đập thủy điện sẽ có nhiều khó khăn.

Các dự án thủy điện trên những con sông lớn chảy qua nhiều nước tại châu Á đã gây ra tranh cãi trong thời gian qua. Theo Al Jazeera, Trung Quốc đã vấp phải cáo buộc rằng những đập thủy điện nước này xây trên sông Mekong khiến tình trạng khô hạn tồi tệ hơn ở những quốc gia hạ lưu. Bắc Kinh đã phủ nhận điều này.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-xay-sieu-thuy-dien-an-do-ra-don-tra-dua-3423696/