Trung Quốc vừa có cuộc đối đầu nghẹt thở với 'kỳ phùng địch thủ'

Hôm qua (11/9), quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc đối đầu căng thẳng gần bờ phía bắc của hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh. Rất may, lực lượng hai bên đã giải tán sau khi diễn ra các cuộc đàm phán song phương.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Có một cuộc đối đầu giữa quân đội hai nước nhưng nó đã kết thúc sau khi hai bên có cuộc đàm phán với nhau”, quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Quân đội Ấn Độ cho hay, những vụ việc như vậy thường xảy ra do sự khác biệt về nhận thức liên quan đến Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) – đường phân ranh giới giữa một bên là vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và một bên là vùng lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát ở Jammu và Kashmir. “Đã có những cơ chế được thiết lập để giải quyết những khác biệt về nhận thức liên quan đến đường LAC và cả các cơ chế để giải quyết những bất đồng như vậy", tuyên bố của phía Ấn Độ cho hay.

Cuộc đối đầu mới nhất giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ tình cờ lại diễn ra đúng khu vực nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc từng có cuộc đối đầu tóe lửa trong sự kiện Doklam vào mùa hè năm 2017.

Cuộc đối đầu mới nhất diễn ra đúng một ngày sau khi quân đội Ấn Độ vừa bác bỏ thông tin về việc lực lượng Trung Quốc xâm nhập vào bang đông bắc Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Căng thẳng ở khu vực biên giới hai nước Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu bùng lên từ hồi tháng 8 khi New Delhi tuyên bố Ladakh là một vùng lãnh thổ hành chính riêng rẽ.

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Bắc Kinh đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km, bao phủ gần hết bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc gọi vùng lãnh thố đó là “Nam Tây Tạng". Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cuộc chiến năm 1962 chưa phải là chương cuối trong cuộc tranh chấp xung quanh bang Arunachal và rằng Arunachal vẫn là vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp. Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm xác định quyền kiểm soát đối với khu vực biên giới Arunachal đều khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ như năm 1986, việc Ấn Độ nhắc đến Arunachal như là một bang của nước này đã châm ngòi cho một cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước ở Sumdurong Chu.

Quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Ngoài cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới được nhắc ở trên, giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế.

Trong nhiều thập kỷ, sau nhiều thất bại trước Trung Quốc, Ấn Độ thường chọn cách thoái lui trước Trung Quốc. Nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Ấn Độ đang thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của nước này. Ấn Độ mua vũ khí và thiết bị quân sự ồ ạt từ Nga cũng như các nước Israel, Pháp và Mỹ. New Delhi hiện đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ngoài việc mua vũ khí của các cường quốc quân sự, Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào các dự án chế tạo vũ khí riêng cho mình. Một Ấn Độ mạnh hơn lên, bạo dạn hơn lên đang khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201909/trung-quoc-vua-co-cuoc-doi-dau-nghet-tho-voi-ky-phung-dich-thu-640047/