Trung Quốc vũ khí hóa bãi cạn Scarborough: Tranh chấp leo thang Bắc Kinh-Manila

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin mới đây 'tố' Trung Quốc có những hành động 'bồi đắp và vũ khí hóa' bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Ngày 22/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cáo buộc Trung Quốc có các hành động bồi đắp và vũ khí hóa bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin đưa ra khẳng định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với ABS-CBN News.

“Một điều chắc chắn là họ đã có một đường băng cho các chiến đấu cơ hạ cánh. Nó gần như là một tàu sân bay không thể đánh chìm, nhưng người Mỹ nói rằng họ có thể xóa sổ nó trong vòng 30 phút đầu tiên của một cuộc xung đột. Nhưng nó vẫn ở đó. Chúng tôi gọi đó là một nền tảng vũ khí. Và nó đã hoàn thành", ông Locsin nói, nhắc lại cuộc họp tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (CINCPAC), nơi ông đã hỏi lại về khả năng mở rộng sức mạnh của Trung Quốc khi sử dụng bãi cạn Scarborough, theo South China Morning Post.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 9/6, thẩm phán về hưu Antonio Carpio, từng làm việc ở Tòa án Tối cao Philippines, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sớm thiết lập căn cứ không và hải quân trên bãi cạn Scarborough.

Ông Carpio cho rằng đây là bước kế tiếp trong kế hoạch thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo CNN. Ông Carpio lập luận rằng nếu không có một căn cứ không và hải quân, ADIZ không thể được áp dụng cho Biển Đông vì có một “lỗ hổng trong tầm bao phủ của chiến đấu cơ, tên lửa và radar Trung Quốc” trong vùng lân cận Scarborough.

Cũng trong ngày 22/6, trả lời phỏng vấn ABS-CBN News, Ngoại trưởng Locsin xác nhận các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc về các dự án thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông đã bị tạm dừng, song ông không tiết lộ lý do.

Được biết, Bắc Kinh và Manila ký biên bản ghi nhớ về hoạt động khai thác dầu khí chung ở Biển Đông vào tháng 11/2018 trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bãi cạn Scarborough. Ảnh: AMTI/CSIS.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines nhiều lần rơi vào vào trạng thái căng thẳng những năm qua.

Đáng chú ý, Manila từng dọa sẽ "cắt đứt quan hệ với Trung Quốc" sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Biển Đông hồi tháng 6/2019.

"Có khả năng Tổng thống Duterte sẽ ra lệnh cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu chứng minh được tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Philippines", ông Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nói.

Ông Salvador Panelo mô tả hành động của tàu cá Trung Quốc là "thiếu văn minh, quá đáng và man rợ", đồng thời kêu gọi Trung Quốc điều tra và xử phạt thủy thủ đoàn của tàu cá này.

Đến tháng 8/2019, Hiệp hội Bảo hiểm Tương hỗ Ngư nghiệp Quảng Đông thay mặt chủ tàu cá Trung Quốc phải gửi thư xin lỗi đến Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh.

"Tôi cảm thấy hối tiếc sâu sắc rằng tai nạn này đã xảy ra và tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với ngư dân Philippines. Chủ tàu cá Trung Quốc thông qua hiệp hội muốn bày tỏ lời xin lỗi chân thành đến ngư dân Philippines", Bộ Ngoại giao Philippines công bố lá thư ngày 26/8.

Mời độc giả xem thêm video: Cảnh sát biển Philippines chống Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép hồi năm 2014 (Nguồn video: VTC1)

Trước đó, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan, về các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông, trong đó bác bỏ tính pháp lý và quyền lịch sử đối với yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.

Quan hệ Philippines-Trung Quốc cũng trở nên căng thẳng sau phán quyết của PCA.

Sau phán quyết nói trên, Chính phủ Philippines “khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng phán quyết được xem là cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”.

Về phía Trung Quốc, Chính phủ và Bộ Ngoại giao nước này lần lượt ra Tuyên bố phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang ngược đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ cái gọi là “lợi ích” của nước này ở Biển Đông.

Thiên An (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/trung-quoc-vu-khi-hoa-bai-can-scarborough-tranh-chap-leo-thang-bac-kinh-manila-1400537.html