Trung Quốc 'vớ bẫm' từ mâu thuẫn Nga - Mỹ?

Việc cố tô vẽ nước Nga thành mối đe dọa toàn cầu, cũng như việc tạo dựng hình ảnh Tổng thống Nga Putin như là nhân vật phản diện là các nỗ lực để tiếp tục 'Chiến tranh lạnh' với Nga. Và điều này đang đem đến các lợi ích cho Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nhận định trên do chuyên gia phân tích chính trị Leon Hadar viết trên tờ The National Interest (NI) của Mỹ. Theo đó, các công dân Mỹ (những người tin rằng Nga đã gây ảnh hưởng lên tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khi chi gần 100 nghìn USD cho các quảng cáo chính trị trên Facebook) cần phải nhớ rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary Clinton đã bỏ ra gần 1,4 tỷ USD cho chiến dịch vận động tranh cử của mình và một phần trong số tiền này được chi cho các hoạt động quảng cáo. Trong ê kíp vận động bầu cử của bà Hilary Clinton khi đó có nhiều chuyên gia tốt nhất trong lĩnh vực chiến lược media.

Theo một trong số nhiều nghiên cứu đã được công bố trong tuần vừa qua, trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về đưa Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), hơn 150 nghìn tài khoản Twitter có nguồn gốc Nga đã đăng tải hàng chục nghìn thông tin bằng tiếng Anh, trong đó các lời kêu gọi công dân Anh bỏ phiếu đưa Anh rời EU.

Còn truyền thông Tây Ban Nha lại cáo buộc đích danh Nga về việc Nga đã có vai trò quan trọng trong gây ra khủng hoảng Catalonia khi sử dụng các phương tiện truyền thông của nhà nước, ví dụ như kênh truyền hình “Nước Nga ngày nay” (RT) và hãng thông tấn Sputnik, các tài khoản Facebook và Twitter để ủng hộ chủ nghĩa ly khai Catalonia. Cũng giống như trường hợp với Brexit, Nga bị cáo buộc đang thực hiện các nỗ lực nhằm làm suy yếu EU, NATO và phương Tây.

Theo bản báo cáo của các cơ quan mật vụ Mỹ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được công bố vào ngày 6/1/2017, Moscow đã sử dụng các nỗ lực của RT, hệ thống truyền thông mạng và các trang mạng xã hội- các thành công của “bộ máy tuyên truyền quốc gia của Nga” để phá vỡ “trật tự dân chủ-tự do do Mỹ dẫn dắt”.

Chuyên gia Leon Hadar cũng viết một cách đầy mỉa mai rằng hiện châu Âu cần quên đi chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel, về Brexit ở Anh, về thất bại của bà Hilary Clinton tại Mỹ, cũng như về các thay đổi kinh tế, chính trị sâu rộng ở châu Âu vì tất cả đều dường như đã chịu sự can thiệp của Nga!

Tuy nhiên, theo nghiên cứu do công ty chuyên nghiên cứu truyền thông Nielsen tiến hành vào năm 2015, kênh truyền hình RT của Nga thời điểm đó chỉ thu hút được sự quan tâm của 0,04% người xem Mỹ. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi. Kênh RT chắc chắn không gây ảnh hưởng đủ mạnh lên cử tri Anh sống ở các vùng nông thôn nước Anh, những người phải dành nhiều thời gian trên cánh đồng hơn là ngồi trước tivi để xem các chương trình của RT.

Còn tại Mỹ, cần phải nhớ đến bình luận của cựu cố vấn trong ê kíp vận động tranh cử của bà Hilary Clinton là Mark Penn, người đã giải thích với The Wall Street Journal rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các quảng cáo trên Facebook và các thông tin giả mạo đã gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo Leon Hadar, cần phải chú ý đến chi tiết rằng Mỹ và Nga không trong trạng thái chiến tranh với nhau. Việc Nga, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Israel và các quốc gia khác chi nhiều tiền cho các chiến dịch tuyển mộ các đối tác chính trị ở Washington không phải là điều gì mới. Đây chính là hành động lobby chính trị để phục vụ lợi ích cho quốc gia của người vận động.

Chính vì vậy, Việc “quỷ hóa” nước Nga như là mối đe dọa toàn cầu đối với các lợi ích và giá trị của Mỹ, cũng như việc tạo dựng hình ảnh Tổng thống Nga Putin như là nhân vật phản diện là các nỗ lực để tiếp tục “Chiến tranh lạnh” với Nga. Tuy nhiên, theo Leon Hadar, điều này lại mâu thuẫn với chính các lợi ích của Mỹ vì các lý do sau:

Thứ nhất: sự lo ngại về mối đe dọa Nga trong “tưởng tượng” khiến hợp tác với Nga để bảo vệ các lợi ích chung ở Trung Đông và các khu vực khác trở thành điều không thể, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mong muốn thúc đẩy hợp tác với Nga để đưa ra thỏa thuận chung về chấm dứt nội chiến ở Syria và giảm chi phí cho các chiến dịch can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Trong khi đó, mối đe dọa lâu dài đối với vị thế vượt trội về kinh tế và quân sự toàn cầu của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải là Nga.

Thứ hai: Việc Mỹ tập trung vào Nga và các chiến dịch can thiệp quân sự không có hồi kết ở Trung Đông nằm trong tính toán của Trung Quốc, đồng thời làm giảm cơ hội vạch ra chiến lược của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Nga-Trung.

“Quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng sẽ chỉ làm củng cố thêm quan hệ giữa Nga với Trung Quốc và đem đến các tổn thất cho lợi ích quốc gia Mỹ”- NI kết luận.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-vo-bam-tu-mau-thuan-nga-my-post245471.info