Trung Quốc vẫn đang copy công nghệ?

Ý nghĩ Trung Quốc là quốc gia 'chuyên đi sao chép' công nghệ của các nước luôn thường trực trong đầu nhiều người từ nhiều thập kỷ qua. Nhưng nay, chúng ta cần suy nghĩ lại điều này.

Hiện tượng Trung Quốc sao chép công nghệ của các nước nhằm “đi nhanh hơn” là một thực tế khó có thể chối cãi trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn một chiều và nay không còn đúng nữa. Hiện nhiều công ty Trung Quốc đang tạo ra những xu hướng toàn cầu về công nghệ và mô hình kinh doanh, để ngay các công ty của Mỹ cũng đang phải cố gắng học theo.

Ứng dụng Meitu tới từ Trung Quốc đang được Mỹ và nhiều nước áp dụng.

Theo Bloomberg, thật khó để thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về hàng hóa của Trung Quốc là hàng rẻ tiền và được bán tràn lan trên mọi góc phố. Và suy nghĩ của họ về các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng như vậy.

Tuy nhiên, sự thật là Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn “chuyên đi sao chép” từ lâu. Hiện nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc đang tạo ra những xu hướng toàn cầu về sản phẩm công nghệ và mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực đầy hứa hẹn như siêu máy tính, công nghệ giao thông, thanh toán điện tử và AI. Những ý tưởng của họ đang lan rộng ra khắp thế giới và sẽ không quá khi nói, thế giới công nghệ đang xoay trục về hướng của Trung Quốc.

Chẳng hạn ứng dụng Meitu - một ứng dụng cho phép những bức ảnh "tự sướng" của bạn trở nên dễ thương hơn, tới từ Trung Quốc đang được hưởng ứng rất mạnh tại nhiều nước. Nhiều lập trình viên tại Mỹ và các quốc gia khác đã thi nhau tạo ra những ứng dụng lấy cảm hứng từ Meitu.

Rồi không ít start-up tại Mỹ hiện đang sao chép mô hình cho thuê xe đạp vốn rất phổ biến tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, ứng dụng nổi tiếng Tinder thật ra lại không khác gì phiên bản Mỹ của ứng dụng hẹn hò Momo tại Trung Quốc.

Ngay Apple và Facebook, hai “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng đang cố gắng để biến ứng dụng nhắn tin của họ trở nên ngày càng giống với WeChat, vốn là ứng dụng nhắn tin số 1 của Trung Quốc. Hoặc tất cả công ty sản xuất drone tại Mỹ hiện cũng phải “theo đuôi” một công ty Trung Quốc có tên là SZ DJI Technology.

Ảnh hưởng của công nghệ Trung Quốc được biết tới lần đầu tiên bởi công ty thiết bị viễn thông Huawei. Sau khi mở chi nhánh đầu tiên tại châu Âu, Huawei đã buộc các ông lớn như Ericsson của Thụy Điển và Alcatel-Lucent của Pháp phải giảm giá để cạnh tranh và sao chép công nghệ cập nhật phần mềm cho các thiết bị đời cũ của họ. Một số quan chức châu Âu cáo buộc Huawei đã hưởng lợi từ trợ cấp không công bằng từ chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị bác bỏ vào sau đó. Theo một báo cáo mới đây của Trung Quốc, trong năm 2016, các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc đã sản xuất được tổng cộng 587 triệu thiết bị, chiếm đến 39% thị phần thiết bị di động trên toàn cầu.

Youtube muốn mang ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc tới Mỹ.

Thêm một ví dụ điển hình nữa, đó là ứng dụng livestream trên FaceBook cũng đến từ Trung Quốc, mà Youtube đang muốn mang ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc này tới Mỹ. Theo đó, Youtube đã cho phép người dùng kiếm được tiền bằng cách livestream những hành động của họ như chơi game. Hoặc, người xem tại Mỹ có thể trả một vài USD để khiến cho bình luận của họ về video trở nên nổi bật hơn bằng cách viết ra được chữ có màu sắc. Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nhiều người sẵn sàng trả tiền để được chú ý như vậy và việc này chẳng khác mấy so với ngành công nghiệp livestream tại Trung Quốc, còn Youtube chắc chắn cũng rất muốn tạo ra được một ngành công nghiệp tương tự tại Mỹ.

Hay như một tin đồn gần đây cho biết, ứng dụng iMessage của Apple sẽ được trang bị tính năng cho phép người dùng gửi tiền cho bạn bè và người thân thông qua các tin nhắn, một tính năng phổ biến trên các ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ rằng, Apple cũng đang “sẵn sàng sao chép” lại những công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc, miễn là có lợi cho họ.

Tất nhiên, không phải công nghệ nào của Trung Quốc cũng có thể thay đổi được phần còn lại của thế giới. Ví như việc thanh toán bằng smartphone là một phương thức phổ biến tại Trung Quốc, nhưng chưa được dùng nhiều tại Mỹ vì thanh toán bằng thẻ tín dụng vẫn đang rất dễ dàng. Tuy nhiên, kể cả khi không có nhiều người Mỹ sử dụng điện thoại của Xiaomi hay Vivo, các công ty Trung Quốc vẫn đang cố gắng định hình lại thế giới công nghệ từng chút một.

Và điều này cũng gợi cho chúng ta cùng nhớ lại, cách mà nhà sản xuất xe Honda - tới từ Nhật Bản, đã mang tới những mô hình xe hơi đáng tin cậy vào năm 1970 tại Mỹ và vĩnh viễn làm thay đổi tư duy của cả ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Rất có thể, những ý tưởng tới từ Trung Quốc cũng sẽ làm thay đổi cả ngành công nghệ Mỹ theo một cách tương tự.

Thanh Trà (Theo Bloomberg)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201706/trung-quoc-van-dang-copy-cong-nghe-572081/