Trung Quốc và thế 'tiến thoái lưỡng nan' trong chiến tranh thương mại

Các biện pháp quá gấp rút mà phía Trung Quốc đưa ra để giải quyết tác động của chiến tranh thương mại sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Ảnh: Reuters

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp diễn. Chính quyền Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc sẽ tiếp tục leo thang về các vấn đề thuế quan với Bắc Kinh, tuy nhiên cùng lúc đó, Bắc Kinh lại không hề thể hiện ý định muốn theo đuổi việc này. Những hy vọng vào khả năng tình hình sẽ tốt hơn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ ngày 6/11 dường như không có nhiều cơ sở.

Trong bối cảnh hiện tại, việc các nhà hoạch định chính sách kinh tế của mỗi nước giải quyết các vấn đề nội địa phát sinh từ việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong nhiều năm nữa.

Cả hai nền kinh tế sẽ có thể chống chọi được tác động của chiến tranh thương mại ở thời điểm hiện tại, thế nhưng các biện pháp quá gấp rút mà phía Trung Quốc đưa ra để giải quyết tác động của chiến tranh thương mại sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.

GDP quý 3/2018 của kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ cho thấy GDP quý 2/2018 tăng trưởng 6,7%, đúng với dự báo của giới chuyên gia và kỳ vọng của nhà chức trách. Phần lớn các chỉ số của nhu cầu nội địa, ví như chỉ số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt.

Ngay cả tăng trưởng xuất khẩu vẫn ở mức tốt. Tuy nhiên tăng trưởng đầu tư sụt giảm không phát đi tín hiệu tốt dù các nhà hoạch định chính sách đang muốn cân bằng lại nền kinh tế theo hướng đặt trọng tâm vào tiêu dùng. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ đi xuống khi mà các biện pháp thuế của Mỹ dần dần có hiệu lực.

Việc hạ giá đồng nhân dân tệ, một công cụ quan trọng để giúp tăng tính cạnh tranh của xuất khẩu, vẫn là một con dao hai lưỡi với Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ yếu sẽ giúp bù đắp cho tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền mạnh hơn, dòng vốn sẽ rời khỏi Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã quá sợ hãi bởi việc dòng vốn bị rút ra đến mức độ khó kiểm soát trước đây.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể giúp vực dậy tăng trưởng ngắn hạn của kinh tế Trung Quốc giống như những gì đã từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ. Thế nhưng khi tín dụng ngân hàng tăng trưởng quá nóng, ngành tài chính Trung Quốc sẽ dễ chịu tổn thương.

Kích thích tài khóa có thể coi như một lựa chọn tốt hơn. Các biện pháp chính sách phù hợp sẽ giúp cải thiện tăng trưởng ngắn hạn và nhờ vậy giúp cân bằng lại nên kinh tế khỏi mô hình quá tập trung vào đầu tư. Ví dụ như việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ nhắm đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp và giúp kích thích chi tiêu.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế Mỹ dường như không chịu tác động nhiều bởi chiến tranh thương mại. Xuất khẩu sang Trung Quốc không quá quan trọng với Mỹ, thế nhưng trong dài hạn, không ai dám chắc khả năng trên sẽ xảy ra.

Đối với Trung Quốc, cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kém, các chính sách trợ cấp ngầm, và biện pháp phân biệt đối xử không đủ đáp ứng chuẩn của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cần phải bị loại bỏ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi WTO cũng không giúp gì trong việc xây dựng được một khối liên minh chống Trung Quốc.

Tình thế nan giải hiện tại, đáng tiếc, sẽ vẫn tiếp diễn. Dù cả hai nền kinh tế có thể chống chọi được với tác động ngắn hạn từ chiến tranh thương mại, việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và Mỹ ứng phó như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc kinh tế của họ trong dài hạn.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/trung-quoc-va-the-tien-thoai-luong-nan-trong-chien-tranh-thuong-mai-3475863.html