Trung Quốc và Myanmar tăng cường quan hệ song phương

Trung Quốc và Myanmar sẽ đẩy nhanh việc xây dựng một hành lang kinh tế từ biên giới hai nước đến Vịnh Bengal.

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Ảnh: THX/TTXVN

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Ảnh: THX/TTXVN

Trong chuyến thăm Myanmar từ ngày 24 đến 27/11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ning Jizhe đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo không chính thức của Myanmar là bà Aung San Suu Kyi và 11 bộ, ngành liên quan.
Hai bên đã nhất trí phối hợp các kế hoạch phát triển, thúc đẩy việc xây dựng một hành lang kinh tế và phát triển hợp tác trong các dự án trọng điểm chung.
Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar dài 1.700 km, kết nối thành phố Côn Minh (Trung Quốc) với đặc khu kinh tế tại cảng Kyaukpyu thuộc bang Rakhine (Myanmar). Việc xây dựng một cảng nước sâu và một khu công nghiệp với sự tham gia của Trung Quốc là những dự án thí điểm của hành lang này.
Một dự án khác trong tương lai là xây dựng tuyến đường sắt liên kết tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với bờ biển Vịnh Bengal, chạy gần như song song với hệ thống đường ống dẫn khí và ống dẫn dầu hiện có.
Các dự án cảng và đường sắt giữa hai nước trong những năm gần đây đã bị "đóng băng". Tuy nhiên, trong tháng 10-11/2018, hai bên đã đồng ý quay trở lại công việc này một lần nữa và chuẩn bị một nghiên cứu khả thi. Cả hai bên đều mong muốn thực hiện các dự án trong điều kiện minh bạch tối đa, trên cơ sở cạnh tranh và kiểm soát chặt chẽ các chi phí ước tính.
Đây là việc xây dựng đường dây tải điện từ Trung Quốc đến các khu vực ven biển của Myanmar, đi qua các khu vực đang trong tình trạng bất ổn giữa các bộ tộc và các nhóm vũ trang.

Theo chuyên gia Aida Simonia của Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc đi qua các khu vực đang bất ổn không phải là một trở ngại nghiêm trọng cho quá trình thực hiện dự án. Bà cho rằng chính quyền hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình và có thể đảm bảo sự an toàn của các công trình xây dựng trong tương lai.
Bà Simonia nói “khi toàn bộ phương Tây quay lưng lại với Myanmar do vấn đề người tị nạn, Trung Quốc lại ủng hộ. Họ sẵn sàng tham gia hỗ trợ tài chính và giúp đỡ quá trình hồi hương người tị nạn. Trung Quốc rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này.
Đây là sự ổn định ở biên giới đất nước, là một sự đảm bảo cho việc thực hiện các dự án chung. Myanmar cần đến sự trợ giúp này vì đang bị cách ly với phương Tây”. Đối với Myanmar, cách duy nhất để thoát ra chính là phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, bởi vì họ đang chịu sức ép lớn từ phương Tây (Mỹ và Liên minh châu Âu).
Dưới chế độ quân sự ở Myanmar, phương Tây - với lý do Myanmar vi phạm nhân quyền - đã cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh tế và tài chính với nước này. Khi đó Trung Quốc, với tầm nhìn xa, đã lợi dụng điều này để gia tăng sự hiện diện trong nền kinh tế Myanmar.
Phương Tây đã bỏ lỡ "bước nhảy" của Trung Quốc vào Myanmar, và khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép phương Tây hợp tác với Myanmar, tất cả các lĩnh vực có lợi nhuận thực sự đã bị dòng vốn Trung Quốc chiếm giữ.
Hiện giờ, có vẻ như tình hình đang lặp lại. Myanmar lại một lần nữa bị cô lập trên trường quốc tế khi xảy ra xung đột với phương Tây về vấn đề người tị nạn Rohingya. Trong bối cảnh này, Myanmar lại tích cực hướng tới Trung Quốc.
Theo dự báo của chuyên gia Aida Simonia, Mỹ sẽ không thể ngăn chặn việc thực hiện các dự án giữa Myanmar và Trung Quốc. Khi phương Tây dường như chậm trễ một lần nữa, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện kinh tế của họ ở Myanmar./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trung-quoc-va-myanmar-tang-cuong-quan-he-song-phuong/104819.html