Trung Quốc và Mỹ thống nhất tổ chức đàm phán thương mại ngày 7-8/1 tại Bắc Kinh

Theo thông báo mới nhất ngày 4/1 trên trang thông tin điện tử của Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được tổ chức ngày 7 và 8/1, khi hai bên đang tìm cách chấm dứt cuộc tranh chấp gây ra những ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với cả hai nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.

Hai nước Mỹ- Trung đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại trong suốt một năm qua, làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ và làm dấy lên lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo thời gian đàm phán được thống nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận rằng phái đoàn của Mỹ sẽ do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, đến Trung Quốc để có “những cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng” với người đồng cấp Trung Quốc. Hai bên đã xác nhận thời gian họp chính thức trong một cuộc điện đàm vào sáng thứ Sáu (ngày 4/1). Cuộc đàm phán này rất được kỳ vọng trong nỗ lực thực hiện thỏa thuận đã thống nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình về trì hoãn tăng thuế quan trả đũa lẫn nhau trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1/12/2018.

Hiện nay cả Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với một thời hạn quan trọng vào cuối tháng 3 để đàm phán chấm dứt cuộc chiến thương mại gây nhiều thiệt hại, hoặc Washington có thể tiến hành tăng thuế mạnh hơn đối với hàng hóa Trung Quốc như đã dự kiến áp dụng vào ngày 1/1 và Bắc Kinh có thể đáp trả. Tổng thống Trump từng cho biết cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai bên đang tiến triển tốt, nhưng không rõ liệu Bắc Kinh có chịu khuất phục trước những yêu cầu then chốt của Mỹ về sự mất cân bằng thương mại, tiếp cận thị trường và cáo buộc lạm dụng sở hữu trí tuệ của Trung Quốc hay không. Các dữ liệu trong tuần đầu tiên của năm mới 2019 cho thấy sự mất đà rõ rệt được thể hiện ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối năm 2018.

Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán quan trọng này, phía Trung Quốc cho rằng nước này đã có một số nhượng bộ kể từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao tại Argentina sau khi nối lại hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ và đẩy lùi việc tăng thuế đối với nhập khẩu ô tô của Mỹ. Nước này cũng đã hạ thấp chiến lược “made in China 2025” và cơ quan lập pháp Trung Quốc đang sửa đổi luật đầu tư nước ngoài để quy định rõ ràng rằng việc buộc các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc là các khiếu nại vô lý của chính quyền Trump. Mặc dù hai nhà lãnh đạo cấp cao Trung- Mỹ đã có cuộc điện đàm ngay trước thềm năm mới 2019 mở ra triển vọng lạc quan, tích cực về một thỏa thuận toàn diện, thì câu hỏi lớn vẫn còn là liệu hai nước có thể xoa dịu cuộc chiến thương mại trước hạn chót ngày 02/3 tới hay không.

Jon Cowley, luật sư thương mại quốc tế cao cấp tại Baker McKenzie ở Hồng Kông, cho rằng những kỳ vọng về một thỏa thuận đạt được vào tuần tới sẽ được kiểm soát, nhưng hẳn là các công ty đã cảm thấy tổn thương rất nhiều vì hàng loạt các mức thuế quan đã áp đặt. Việc kéo dài thêm thỏa thuận “đình chiến” sẽ không làm giảm tổn thương này, vì các thuế quan ban đầu sẽ thực sự được áp dụng và một chính quyền Trump thường không kiên định liên quan đến các vấn đề trong nước, bao gồm cả việc chính phủ đóng cửa và tài trợ cho bức tường biên giới với Mexico.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-quoc-va-my-thong-nhat-to-chuc-dam-phan-thuong-mai-ngay-7-81-tai-bac-kinh-114369.html