Trung Quốc và cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường

Bộ Môi trường Trung Quốc hôm 15/7 đã công bố báo cáo mới về vấn đề môi trường, trong đó cho thấy tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà nước này phát trong năm 2014 lên tới 12,3 tỷ tấn, tăng 53,5% chỉ trong vòng một thập kỷ.

Lượng phát thải của Trung Quốc đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2005-2014 (Nguồn: Reuters).

Lượng phát thải của Trung Quốc đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2005-2014 (Nguồn: Reuters).

Lượng phát thải vẫn trên đà tăng

Trước đây, các dữ liệu liên quan tới lượng phát thải ở Trung Quốc vốn bị coi là không minh bạch. Nhưng thời gian qua, với tư cách là một bên ký kết vào Công ước Khung làm việc của LHQ về Biến đổi khí hậu, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ thường xuyên trình báo cáo chính thức với LHQ về lượng khí thải mà nước này phát ra.

Trước đó, Trung Quốc từng có hai lần công bố các con số thống kê về lượng phát thải, đó là vào năm 2005 và năm 2010.

Hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang nỗ lực giảm lượng phát thải vào khoảng năm 2030, dù nước này cũng cam kết sẽ đưa ra những mục tiêu mới “tham vọng nhất có thể” khi cân nhắc lại các mục tiêu về môi trường vào năm tới.

Con số phát thải khí gây hiệu ứng nhà kinh năm 2014 của Trung Quốc, được tính toán dựa trên các dữ liệu mới nhất mà Chính phủ nước này cung cấp, bao gồm các loại khí thải như Carbon Dioxide và Methane, tuy nhiên lại không được điều chỉnh dựa trên sự thay đổi của việc sử dụng đất đai hay tăng lượng rừng che phủ.

Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay, nếu họ tính toán cả tác động từ vạt rừng che phủ tăng cùng nhiều biện pháp lưu trữ carbon khác, thì tổng lượng khí thải mà nước này phát ra vẫn ở mức cao, khoảng 11.186 tỷ tấn trong năm 2014, tức vẫn tăng khoảng 17% so với năm 2010.

Tổng lượng khí thải mà nước Mỹ phát ra trong năm 2017 là khoảng 5,74 tỷ tấn CO2, giảm 0,5% so với năm 2000 – theo Cục Bảo vệ Môi trường nước này. Một bản nghiên cứu được tạp chí Nature Geoscience công bố hồi năm ngoái ước tính rằng, tổng lượng khí thải mà Trung Quốc phát ra đã đạt mức kỷ lục là 9,53 tỷ tấn trong năm 2013 và sau đó giảm suốt 3 năm liên tiếp.

Theo báo cáo trên, lượng phát thải của Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2016 giảm là nhờ lượng tiêu thụ năng lượng trong nước giảm. Tuy nhiên, trong các năm sau giai đoạn trên, lượng phát thải của nước này lại tăng trở lại. Hoạt động sản xuất gia tăng ở một số lĩnh vực công nghiệp Trung Quốc như thép trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc lượng phát thải của nước này đang trên đà tăng, và có thể đạt mức kỷ lục mới trong năm nay.

Tăng cường sử dụng năng lượng sạch

Từ lâu đã coi ô nhiễm môi trường là một vấn đề của quốc gia, chính quyền Trung Quốc đã ra sức áp dụng các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải, giải quyết ô nhiễm không khí…

Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch để hạn chế ô nhiễm không khí bằng cách cắt giảm lượng than tiêu thụ, cải thiện chuẩn nhiên liệu và khuyến khích các dạng công nghiệp và năng lượng sạch hơn. Các hạt không khí nguy hiểm được gọi là PM2,5 đã giảm 42% tại 74 thành phố lớn của Trung Quốc từ năm 2013 tới năm 2018.

Tổng lượng công suất điện mặt trời được lắp đặt ở quốc gia này hiện đứng ở mức 170 GW vào cuối năm 2018, chiếm khoảng 9% tổng công suất điện năng tiêu thụ toàn quốc. Năm ngoái, năng lượng mặt trời đã sản xuất ở nước này đạt 177,5 TWh điện năng, chiếm khoảng 2,5% tổng lượng điện năng sản sinh.

Trung Quốc cũng đang muốn tăng lợi nhuận của các công ty điện mặt trời để giảm trợ cấp cho các nhà cung cấp năng lượng tái tạo, với sự gia tăng nhanh chóng trong việc thiết lập công suất mới, tạo ra khoản dư thanh toán dự kiến đạt 60 tỷ NDT (8,7 tỷ USD) vào năm tới. Giá thanh toán trung bình cho các nhà sản xuất điện mặt trời đã được cắt giảm từ hơn 1 NDT/kWh trong năm 2011 xuống khoảng 0,3 NDT/kWh trong năm nay.

Đầu năm nay, các nhà điều hành cho biết rằng trợ cấp sẽ được cắt giảm xuống bằng 0 vào năm 2021 đối với các nhà phát điện gió trên đất liền, nghĩa là họ sẽ bán điện ở giá tương tự như các nguồn năng lượng truyền thống. Các chuyên gia cho biết năng lượng mặt trời có thể cũng sớm đạt ngang giá điện lưới.

Trung Quốc cũng triển khai một loạt các nhà máy điện gió và mặt trời miễn trợ cấp trong năm nay.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/trung-quoc-va-cuoc-chien-chong-o-nhiem-moi-truong-tintuc442078