Trung Quốc và cơ hội vượt qua sa mạc

Những 'khoảng trống' mà chính sách của ông Trump và nước Mỹ đang tạo ra chính là 'món quà' quan trọng và ý nghĩa với Trung Quốc, vốn đang nuôi tham vọng tiến qua sa mạc.

Chen chân vào Afghanistan

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đang tạo ra sự tái cấu trúc địa chính trị gây bất lợi cho Mỹ và có lợi cho Trung Quốc ở khu vực này. Với địa hình khắc nghiệt, Afghanistan dường như không được các siêu cường để mắt tới. Thế nhưng, là cửa ngõ nối liền châu Á và Trung Đông, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, việc kiểm soát Afghanistan là một phần thiết yếu trong việc tạo ảnh hưởng tại dải đất Á-Âu này.

Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ giờ đây phải đối đầu với Trung Quốc như một nhân tố chính, họ cho rằng tham vọng địa chính trị của nước này xung đột với lợi ích quốc gia của Mỹ. Hoạt động chính trị nước lớn trong thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Mỹ đều coi Afghanistan là mặt trận trung tâm.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc nhằm mục đích tạo ra sự kết nối lục địa và hàng hải để tăng cường thương mại và các nguồn tài nguyên, từ đó tạo điều kiện cho một trật tự do Trung Quốc dẫn dắt. Và trong BRI, Trung Quốc coi Afghanistan có tầm quan trọng về chiến lược.

Điều có lợi cho Trung Quốc là họ có chung biên giới và xâm nhập trực tiếp vào Afghanistan thông qua thung lũng Wakhan, một vùng đệm được tạo ra trong thế kỷ 19. Ngoài ra, lối đi này từng là một tuyến đường thương mại xuyên quốc gia trong nhiều thế kỷ dưới thời con đường tơ lụa cổ xưa.

Bao quanh Afghanistan là các quốc gia có chính sách đối ngoại thuận lợi cho Trung Quốc, nhờ sự hào phóng trong “ngoại giao kinh tế” của nước này. Tajikistan là nơi Trung Quốc có một căn cứ quân sự; Pakistan là một nút chính trong BRI và Iran là người thụ hưởng đầu tư của Trung Quốc, coi Bắc Kinh là “phao cứu sinh” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đường cao tốc Multan - Sukkur ở Pakistan được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

Đường cao tốc Multan - Sukkur ở Pakistan được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

Như vậy, rõ ràng, nếu có được ảnh hưởng ở Afghanistan, Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong các kế hoạch chiến lược của mình. Các nỗ lực của Mỹ nhằm "chống lưng" chính phủ Kabul từ lâu đã là một nhiệm vụ quan trọng. Và ảnh hưởng của Mỹ tại Afghanistan cũng sẽ quen thuộc hơn đối với người dân Afghanistan thay vì sự hiện diện của Trung Quốc.

Thời gian qua, mặc dù các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc vận dụng sức mạnh mềm vẫn chưa đủ để “chinh phục” Afghanistan, song bằng cách tận dụng các đối tác khu vực và cung cấp viện trợ phát triển cho Afghanistan, phương thức hoạt động của Trung Quốc sẽ giúp họ gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực này.

Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, mặc dù việc Mỹ rời khỏi Afghanistan là rất đáng khen ngợi, đặc biệt là khi chiến trường này đã kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ nhưng họ không mong đợi một cuộc rút quân sớm. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, Mỹ vẫn sẽ phải duy trì sự hiện diện của mình. Việc Mỹ rời khỏi Afghanistan sẽ mở đường cho Trung Quốc tiếp cận sâu hơn vào khu vực này, đồng thời gửi một tín hiệu cho thấy sức mạnh của Mỹ đang suy giảm.

Tăng cường ảnh hưởng

Các nhà phân tích cũng đang có quan điểm cho rằng trong khi ông Donald Trump nghĩ bản thân ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên có thái độ cứng rắn với Trung Quốc nhưng thực ra tính cách và chính sách của ông Trump rất có lợi cho Bắc Kinh. Trong bài viết có tựa đề "Trump là một món quà chiến lược cho Bắc Kinh", Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Macquarie ở Sydney (Australia), nhận định: "Ông Trump đang làm suy yếu vị thế quốc tế và sự đoàn kết của Mỹ vào thời điểm quan trọng khi nước này rất cần tập trung vào các thách thức chính, trong đó có thách thức Trung Quốc".

Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền ông Trump đối với các vấn đề quốc tế đang làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Mỹ, mở ra không gian cho Trung Quốc. Không những vậy, ông Trump còn đang làm suy yếu hệ thống liên minh và uy tín của Mỹ trong khu vực bằng cách gây sức ép buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đóng tại các quốc gia này và nhằm vào các đồng minh này trong các biện pháp bảo hộ thương mại. Những điều này gây hậu quả nghiêm trọng về khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong những năm tới.

Trái ngược với những động thái của Washington, Bắc Kinh lại chi “mạnh tay” cho việc quảng bá hình ảnh và lan rộng tầm ảnh hưởng ra cả khu vực và thế giới. Hàng tỷ USD đã được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích tranh giành ảnh hưởng ở châu Á. Theo phòng nghiên cứu AidData tại Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng gấp đôi ngân sách cho đối ngoại trong 6 năm, từ 30 tỷ lên 60 tỷ nhân dân tệ (8,5 tỷ USD), để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao toàn cầu. Báo cáo nghiên cứu của AidData, được công bố hôm 10-12, cũng cho biết tính trong 17 năm (2000-2017), Bắc Kinh đã bỏ ra 126 tỷ USD thông qua các dự án, bao gồm đã hoàn thành, đang triển khai hoặc còn nằm trên giấy.

“Công cụ” để gây ảnh hưởng tại Nam và Trung Á của Trung Quốc bao gồm các khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng, hoạt động truyền thông do nhà nước hậu thuẫn, thành phố kết nghĩa, ngoại giao quân sự và Học viện Khổng Tử, nơi giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngoại giao công chúng là một chiến lược để Bắc Kinh vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng, khắc phục những bất lợi bên trong và vượt lên các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Hai quốc gia chiếm một nửa các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực là Pakistan và Kazakhstan. Đây là những mắt xích quan trọng trong Sáng kiến BRI. Bắc Kinh cũng đã rầm rộ tổ chức các sự kiện văn hóa, cấp học bổng và trao đổi sinh viên, hầu hết quốc gia ở Nam và Trung Á hiện có ít nhất một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm truyền hình, phát thanh và báo in. Trung Quốc đã tổ chức 61 chuyến trao đổi cho các nhà báo Nam và Trung Á từ năm 2004 đến 2017.

Hà Phương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trung-quoc-va-co-hoi-vuot-qua-sa-mac-575378/