Trung Quốc tung tín hiệu về con đường Nga tại Ba Tư

Trung Quốc phản ứng tích cực với lời kêu gọi của Nga về một liên minh khu vực nhằm đảm bảo an ninh ở Vịnh Ba Tư.

Động thái này diễn ra khi Mỹ và Iran đang theo đuổi các chương trình nghị sự đối đầu với nhau tại khu vực này.

Moscow lần đầu tiên nêu ra "khái niệm bảo đảm an ninh tập thể ở khu vực Vịnh Ba Tư" vào tháng 7 khi căng thẳng giữa Washington và Tehran gần như rơi vào khủng hoảng toàn diện. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm đã chính thức đề xuất "lập nên một tổ chức an ninh và hợp tác trong khu vực". Ông đề nghị rằng "Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ và các nước quan tâm khác có thể tham gia với tư cách quan sát viên".

Trung Quốc cởi mở với đề xuất

Khi được hỏi về ý tưởng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang từ chối "đưa ra phản hồi theo nguyên tắc trước khi kiểm tra thêm thông tin" tại cuộc họp báo hôm thứ ba, nhưng cho biết Bắc Kinh cởi mở với những cân nhắc như vậy.

"Trung Quốc theo sát tình hình phức tạp và nhạy cảm ở khu vực vùng Vịnh", ông Geng nói thêm. "Bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc hoan nghênh mọi đề xuất và nỗ lực ngoại giao có lợi cho việc giải quyết tình hình ở khu vực Vùng Vịnh. Chúng tôi cũng muốn liên lạc với tất cả các bên liên quan."

Tuy nhiên, Mỹ không đề cập nhiều về những nỗ lực dàn xếp căng thẳng khu vực vùng Vịnh đang gia tăng của Nga. Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook cho biết vào tháng 8 rằng ông "chỉ xem tin tức" về kế hoạch của Moscow và không "thấy nó hoạt động", hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin.

"Chúng tôi tin rằng đề xuất của chúng tôi có tính thực thi nhất và cũng là đề xuất có tỷ lệ thành công cao nhất trong việc khôi phục tính răn đe và bảo vệ quyền tự do hàng hải. Hãy nhìn xem, chúng tôi hoan nghênh một số ý tưởng để khôi phục tính răn đe. Có nhiều cách để làm điều đó. "Chúng tôi đã đưa ra những gì chúng tôi biết là một đề xuất rất tốt", ông nói thêm, lưu ý rằng quân đội Hoa Kỳ đang đẩy mạnh "phô diễn lực lượng" trong khu vực.

Mỹ đang gây sức ép cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Ảnh: AFP.

Mỹ đang gây sức ép cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Ảnh: AFP.

Lầu Năm Góc đã tăng sự hiện diện gần eo biển Hormuz để đáp lại điều Nhà Trắng tuyên bố là mối đe dọa từ Iran đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực. Sau khi cáo buộc Tehran nhắm mục tiêu và quấy rối các tàu chở dầu nước ngoài, chính quyền của Tổng thống Donald Trump xúc tiến thiết lập một liên minh với mục tiêu là bảo đảm an ninh hàng hải tại đây. Nhóm này cho đến nay là Australia, Bahrain, Vương quốc Anh và gần đây nhất là Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Saudi và AFP tuyên bố sự tham gia chỉ từ tháng trước sau khi hai cơ sở dầu mỏ của Saudi là mục tiêu trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công này, nhưng Washington, Riyadh và các nước khác vẫn đổ lỗi cho Iran. Tehran bác bỏ mọi liên quan và tự kêu gọi thành lập "Liên minh vì Hy vọng", hay Nỗ lực hòa bình cho Hormuz – có mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Iran nhắm đến Nga, Trung Quốc

Tổng thống Iran Hassan Rouhani chính thức nêu ra ý tưởng của họ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước và đã mời Ả Rập Saudi và các nước láng giềng khác khi họ sẵn sàng cam kết "không xâm lược" và "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau". Vài ngày trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã đề cập tại một cuộc họp nhỏ của các nhà báo, có sự tham dự của Newsweek rằng Nga và Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp trực tiếp giữa các quốc gia trong khu vực.

Hoa Kỳ đã bác bỏ những nỗ lực của Iran về việc xây dựng lại mối quan hệ gắn bó với các quốc gia Hồi giáo Sunni trên vùng biển chiến lược Vịnh Ba Tư và Washington cũng tăng cường cắt đứt quan hệ quốc tế của Cộng hòa Hồi giáo Iran thông qua chiến dịch "áp lực tối đa". Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và nhấn mạnh sự không hài lòng với việc Nga và Trung Quốc, cùng với Liên minh châu Âu, Pháp, Đức tiếp tục ủng hộ văn bản này.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump rời khỏi, đặc biệt là châu Âu, đã không tuân thủ các cam kết của mình vì họ sợ các hạn chế của Mỹ và ủng hộ các cáo buộc rằng Teheran đứng sau vụ tấn công gần đây ở Ả Rập Saudi. Còn Moscow và Bắc Kinh đã đổ lỗi cho Mỹ về tình trạng bất ổn khu vực khi họ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để tiến hành đàm phán với Iran.

Iran cũng đã tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc, tuyên bố về các cuộc tập trận hải quân chung – dù chưa được một trong hai cường quốc xác nhận. Tư lệnh hải quân Iran, Đô đốc Hossein Khanzadi, người đã ký một bản ghi nhớ hợp tác với Nga vào tháng 7, đã tới Moscow một lần nữa vào thứ ba để ký một thỏa thuận quân sự với các nước Caspian là Azerbaijan, Nga, Kazakhstan và Turkmenistan và thảo luận về tin tức về cuộc diễn tập sắp tới.

"Khi hai hoặc nhiều quốc gia tổ chức các cuộc tập trận quân sự, điều đó có nghĩa là rất nhiều thỏa thuận và hợp tác đã được thiết lập giữa họ", Khanzadi nói, đề cập đến sự tham gia theo kế hoạch của Nga, mà không phải Trung Quốc, trong các cuộc diễn tập sắp tới. "Sự phối hợp và thỏa thuận liên quan đến việc tiến hành cuộc tập trận đã được thực hiện và hy vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay ở khu vực Ấn Độ Dương."

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-tung-tin-hieu-ve-con-duong-nga-tai-ba-tu-20191009140549875.htm