Trung Quốc tung bằng chứng trình độ chế tạo máy bay vượt xa Nga

Mặc dù vẫn nhập khẩu tiêm kích Su-35SK từ Nga nhưng Trung Quốc cho rằng xét về tổng thể thì trình độ công nghệ chế tạo máy bay của họ đã vượt xa 'thầy giáo cũ'.

 Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh so sánh về mức độ hoàn thiện khung vỏ bên ngoài của một số dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4, từ đó xác định rõ hơn trình độ kỹ thuật về hàng không của họ đang ở đâu so với thế giới.

Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh so sánh về mức độ hoàn thiện khung vỏ bên ngoài của một số dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4, từ đó xác định rõ hơn trình độ kỹ thuật về hàng không của họ đang ở đâu so với thế giới.

Mẫu máy bay đầu tiên được Sina mang ra tham khảo là một chiếc F-15C ra đời cách đây đã 30 năm, nó vừa trải qua quá trình kéo dài thời hạn sử dụng, dễ nhận thấy dù đã cao tuổi nhưng khung vỏ máy bay vẫn ở mức hoàn hảo.

Tiếp theo là tiêm kích hạng nhẹ F-16A cũng do Mỹ sản xuất, chiếc máy bay này thuộc biên chế một quân đội châu Âu và đã "tại ngũ" hơn 30 năm, vẻ ngoài của máy bay vẫn như mới bất chấp có nhiều đường nét uốn lượn khá phức tạp.

Khác biệt thấy rõ ở tiêm kích MiG-29SMT vừa gia nhập Không quân Nga, chiếc chiến đấu cơ này có phần khung vỏ được so sánh như công nhân gò hàn lắp ráp bằng tay, dĩ nhiên là kém xa máy bay Mỹ.

Tình trạng khá hơn một chút với tiêm kích đa năng Su-30SM nhưng tờ báo Trung Quốc cho rằng mức độ hoàn thiện về khung vỏ vẫn còn khoảng cách nhất định với máy bay phương Tây.

Chiến đấu cơ Su-35S cũng vậy, rất dễ nhìn thấy khung máy bay có những phần móp méo, mức độ thẩm mỹ thua xa tiêm kích Mỹ, điều này giải thích tại sao Su-27/30 chỉ có tuổi khung 2.000 - 3.000 giờ bay, trong khi ở F-15/16 là 6.000 giờ bay.

Đây là tiêm kích hạng nhẹ J-10B do Trung Quốc chế tạo, Sina tự hào cho rằng sau nhiều thập kỷ nỗ lực không ngừng thì công nghiệp hàng không của họ đã vượt xa "thầy giáo cũ" và tiệm cận phương Tây.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon của Không lực Hoàng gia Anh, công nghệ chế tạo máy bay của châu Âu được trang Sina đánh giá là không hề thua kém, thậm chí còn trội hơn cả Mỹ.

Cuối cùng là tiêm kích đa năng Su-30MKK mà Nga bán cho Trung Quốc cách đây gần 20 năm, Sina cho rằng nó đã có sự cải tiến đáng kể về khung thân nhưng vẫn chưa đạt tới mức trung bình của thế giới.

Việc ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc qua mặt Nga là điều đã được nhiều chuyên gia quân sự dự báo trước, nhất là khi họ được sự hỗ trợ của nền kinh tế khổng lồ sau lưng.

Tuy rằng Không quân Trung Quốc vẫn nhập khẩu tiêm kích đa năng Su-35SK của Nga nhưng vai trò của nó không còn là nguyên mẫu sao chép công nghệ hay trấn giữ những địa bàn trọng yếu như trước nữa.

Những chiến đấu cơ Su-35S này chỉ đơn giản được dùng làm mẫu đối chứng để so sánh với sản phẩm nội địa, cũng như biên chế cho các đơn vị "quân xanh" dùng vũ khí nước ngoài sản xuất trong diễn tập đối kháng cùng "quân đỏ" dùng vũ khí trong nước sản xuất mà thôi.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-tung-bang-chung-trinh-do-che-tao-may-bay-vuot-xa-nga/795396.antd