Trung Quốc tự đóng tàu sân bay: 'Nói thì dễ, làm mới khó'

Mặc dù nổi tiếng về trình độ khoa học công nghệ và năng lực 'sao chép', tuy nhiên với một phương tiện chiến đấu hiện đại, phức tạp như tàu sân bay thì Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, tham vọng sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc đã rất rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực như: Cạnh tranh khoa học công nghệ từ Mỹ; phải đối mặt với nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.... như hiện nay.

Tuy nhiên, tham vọng không có nghĩa là hiện thực, để chế tạo và hình thành năng lực tác chiến của một tàu sân bay thì cần nhiều kỹ thuật hiện đại. Do đó, đến nay Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong chương trình phát triển tàu sân bay của mình.

 Tàu sân bay Liêu Ninh 16 của Trung Quốc. Ảnh: QQ

Tàu sân bay Liêu Ninh 16 của Trung Quốc. Ảnh: QQ

Thứ nhất, về phương diện máy bay chiến đấu. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc được biên chế máy bay chiến đấu trên hạm J-15 với trọng tải cất cánh tối đa là 8 tấn, cự ly tác chiến tối đa là 1.500km. Xem xét đến yêu cầu tiêu hao nhiên liệu khi tác chiến trên không, cự ly tác chiến thực tế lớn nhất chỉ là 30%.

Như vậy, bán kính tác chiến thực tế của J-15 chỉ vào khoảng 500km. Với cự ly tác chiến trên thì J-15 hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu xuất phát từ trên bộ của hầu hết các nước trên thế giới hiện nay.

Hiển nhiên, với năng lực như vậy thì J-15 hoàn toàn không đủ năng lực tác chiến với biên đội tàu sân bay của Mỹ hiện nay. Thậm chí, nếu như đối đầu với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của một số cường quốc quân sự thì J-15 cũng khó có thể giành được ưu thế trên không.

Thứ hai, về phương diện máy bay cảnh báo sớm trên hạm. Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ được biên chế trực thăng cảnh báo sớm trên hạm Z-18. Với Z-18, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được cung cấp khả năng nhận biết tình hình trên không. Bên cạnh đó, với tốc độ, khả năng hành trình, khả năng giám sát của mình, Z-18 khó có thể sánh ngang với máy bay cảnh báo sớm E-2D của Hải quân Mỹ.

Thông số kỹ thuật tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: QQ

Thứ ba, về phương diện tác chiến điện tử. Tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa được trang bị máy bay tác chiến điện tử có chức năng gây nhiễu khu vực, do đó không thể chế áp được hệ thống tác chiến điện tử và khả năng trinh sát cảnh báo sớm của đối phương. Do đó, các máy bay tác chiến trên hạm cũng không thể hoạt động một cách an toàn trong phạm vi A2/AD của đối phương.

Thứ tư, về phương diện tác chiến liên hợp. Trung Quốc không có căn cứ không quân thường trực tại nước ngoài nên hoạt động tác chiến của biên đội tàu sân bay sẽ chỉ có thể dựa vào hoạt động tác chiến của lực lượng máy bay trên hạm cả trong phương diện tấn công hay phòng thủ.

Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: QQ

Thứ năm, về phương diện kỹ thuật hàng không quân sự. Trung Quốc mới đang sở hữu các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 là chủ yếu; máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 mới hình thành năng lực tác chiến; kỹ thuật máy bay chiến đấu không người lái trên hạm vẫn đang phát triển và chưa được kiểm chứng. Những hạn chế trên khiến Trung Quốc khó giành ưu thế trước các đối thủ trong tác chiến trên không ở giai đoạn hiện nay.

Từ các khó khăn trên có thể thấy, nếu Trung Quốc mong muốn phát triển các máy bay chiến đấu không người lái trên hạm theo cách lựa chọn của Mỹ, với các tính năng tác chiến mạnh, hoạt động rộng, mang được nhiều loại bom đạn thì cần rất nhiều thời gian và nguồn lực đầu tư trong thời gian tới.

Mời độc giả xem video: Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên. (nguồn VTC14)

Lam Ngọc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/trung-quoc-tu-dong-tau-san-bay-noi-thi-de-lam-moi-kho-1192950.html