Trung Quốc từ chối làm 'thùng rác' của thế giới, toàn cầu ngập chất thải

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa và một số loại chất thải khác vào đầu năm 2018 đang thay đổi hệ thống tái chế trên toàn cầu.

Ảnh: GreenPeace

6 tháng sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu phế liệu hàng đầu thế giới, đóng cửa không tiếp nhận nguyên liệu tái chế do những lo ngại về môi trường, thế giới đang ngập nhựa phế thải.

Điều này lập tức gây ra tác động dây chuyền lên khắp các nước Đông Nam Á, lượng phế thải nhựa chuyển đến các nước này tăng đột biến, không phải tất cả các chuyến chở phế thải đó đều hợp pháp. Chánh thanh tra Bộ Công nghiệp Thái Lan, ông Surapol Chamart, cho biết: “Người Thái đang rất giận dữ khi Thái Lan trở thành nơi xả thải nhựa của nhiều nước khác”.

Các chương trình thời sự trên truyền hình khiến người Thái giận dữ hơn. Người ta nhìn thấy giới chức quản lý cảng Bangkok phải tiến hành truy quét rất nhiều lô chất thải nhựa bị nhập lậu vào Thái Lan. Tính đến đầu tháng 6/2018, giới chức Thái Lan đã phát hiện ra hàng trăm container chất thải nhựa.

Và tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng Thái Lan mà còn cả Việt Nam và nhiều nước châu Á khác. Mới đây cảng Cát Lái ở TP.HMC công bố có hơn 2.200 container chứa rác thải nằm tại cảng hơn 90 ngày.

Rõ ràng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu chất thải nhựa và một số loại chất thải khác vào đầu năm 2018 đang thay đổi hệ thống tái chế trên toàn cầu.

Cho tới mãi gần đây, Trung Quốc là nước nhập khẩu và xử lý lớn nhất nhựa tái chế. Chỉ riêng trong năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu ước khoảng 8 triệu tấn nhựa tái chế, chiếm hơn nửa lượng nhập khẩu trên toàn cầu, theo tính toán của ông Michikazu Kojima, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Chính phủ nhiều nước phát triển như Mỹ và Nhật phụ thuộc vào Trung Quốc để giải quyết chất thải của họ.

Trung Quốc sử dụng rác nhựa của thế giới như một nguồn tài nguyên rẻ tiền. Năm 2015, tổng giá trị nhập khẩu phế thải của Trung Quốc lên đến 36 tỷ USD.

Tuy nhiên tháng 7/2017, Trung Quốc đề xuất một kế hoạch lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu 24 loại chất thải. Khi chính sách mới có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2018, nhập khẩu nhựa của Trung Quốc đã giảm xuống gần bằng không.

Ban đầu, rất hiếm người bên ngoài ngành tái chế chú ý đến những thay đổi chính sách mới. Giờ đây nó đã trở thành vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống và nhiều hoạt động kinh doanh, rác thải của thế giới được chuyển đi theo những hướng mới hoặc thậm chí biến mất không dấu vết.

Giám đốc điều hành của Fukutomi, ông Steve Wong, chỉ ra: “Thay đổi mới nhất khiến cho các nước Đông Nam Á trở nên bị động trong việc tiếp nhận lượng chất thải lớn. Rất nhiều container chất thải nhựa bị mắc kẹt tại cảng bởi hạ tầng yếu không tiếp nhận được. Trong nhiều trường hợp xấu, các công ty vận tải sẽ vứt các container chất thải đi bởi họ không muốn chịu trách nhiệm cho chi phí kho bãi đắt đỏ.

Sau khi công bố lệnh cấm vào tháng 1/2018, đến tháng 4/2018, chính phủ Trung Quốc tiếp tục công bố sẽ cấm thêm khoảng 16 loại chất thải nữa trước thời điểm cuối năm nay, trong đó bao gồm xe ô tô và thiết bị điện phế thải. Ngoài ra, thêm 16 loại chất thải nữa sẽ bị cấm trước thời điểm cuối năm 2019.

Dù các quy định về chất thải mà phía Bắc Kinh đưa ra mới đây gây ra nhiều thách thức, thế nhưng xét về dài hạn, những gì mà Trung Quốc đang làm tốt hơn cho thế giới. Các nước phát triển sẽ buộc phải tự xử lý nhiều chất thải ở nước họ hơn chứ không phải chỉ chăm chăm tìm cách đẩy sang Trung Quốc.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/trung-quoc-tu-choi-lam-thung-rac-cua-the-gioi-toan-cau-ngap-chat-thai-3456575.html