Trung Quốc trong 'tầm ngắm' của các nước

Chưa bao giờ nhất cử nhất động của Trung Quốc lại được các nước trong khu vực cũng như thế giới chú ý như hiện tại. Đây chính là hệ quả của các hành xử thiếu minh bạch, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông, trong khu vực và cả bình diện toàn cầu ở nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước đông dân nhất thế giới này...

Máy bay săn ngầm P-8A của hải quân Mỹ

Máy bay săn ngầm P-8A của hải quân Mỹ

Mỹ điều 3 máy bay truy tìm tàu ngầm Trung Quốc

Các lực lượng Mỹ ngày 26.6 điều 3 máy bay quân sự đến eo biển Ba Sĩ và Biển Đông trong ngày thứ 6 liên tiếp để thực hiện sứ mệnh giới quan sát cho là nhằm truy tìm tàu ngầm Trung Quốc.

Cụ thể, Sáng kiến nhận biết tình hình chiến lược Nam Hải (SCSPI), tổ chức nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh, khẳng định 3 máy bay quân sự Mỹ, gồm máy bay trinh sát EP-3, máy bay săn ngầm P-8A và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135, xuất hiện ở eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines, từ lúc 10 -12 giờ trưa 26.6, theo tờ South China Morning Post (SCMP)

Theo biểu đồ được đưa trên mạng, SCSPI nói rằng 3 máy bay quân sự Mỹ bay vào phía tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hướng đến eo biển Ba Sĩ rồi đến Biển Đông.

Một nguồn tin an ninh từ Đài Loan cho rằng không quân Mỹ (USAF) dường như đang thực hiện các sứ mệnh chung liên quan nhiệm vụ chống tàu ngầm. “Máy bay Mỹ liên tục do thám giữa eo biển Ba Sĩ và Biển Đông, cho thấy USAF có thông tin tình báo về sự di chuyển của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực”, nguồn tin nhận định.

Nhật Bản giám sát máy bay Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận thấy Trung Quốc đang tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, biên giới Trung - Ấn và ở Hong Kong, đồng thời gọi các hoạt động của Trung Quốc là 'đáng báo động'.

Ông cho biết các tiêm kích của Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp để giám sát máy bay Trung Quốc trên Biển Hoa Đông "gần như mỗi ngày", thậm chí đến vài lần một ngày.Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói rằng từ một quốc gia không có các tiêm kích hiện đại vào đầu thập niên 1990, Trung Quốc giờ đây có hơn 1.000 tiêm kích thế hệ thứ 4 và 5. Trong khi đó, Nhật Bản hiện chỉ có hơn 300 máy bay như thế trong lực lượng phòng vệ trên không.

Ông Taro Kono cho biết Trung Quốc cũng đang mở rộng khoảng cách giữa kho vũ khí hai nước và đang đóng nhiều tàu ngầm, tàu khu trục, khinh hạm.

Tại sự kiện trên, ông Taro Kono còn nói rằng những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo trái phép và có các hoạt động quân sự hóa - cũng "đáng báo động".

Bộ trưởng Taro Kono nhấn mạnh sự cần thiết của việc theo dõi các ý đồ của Trung Quốc trên khắp châu Á.

Tiêm kích F-16 của Đài Loan (dưới) áp sát máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc khi nó tiến vào không phận Đài Loan năm 2019 - Ảnh: Cơ quan quốc phòng Đài Loan

Đài Loan sử dụng khí cầu quân sự theo dõi Trung Quốc

Cơ quan quốc phòng Đài Loan đang xem xét kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Singapore và Philippines trước khi quyết định việc này, theo trang Taiwan News ngày 23-6. Mỗi khí cầu quân sự như vậy có thể mang theo các thiết bị giám sát và theo dõi nặng khoảng 1,6 tấn, với thời gian hoạt động trên không liên tục từ 15 ngày đến một tháng.

Đài Loan đang cân nhắc đưa loại khí tài này tới đảo Bành Giai nằm trên biển Hoa Đông và quần đảo Đông Sa nằm trên Biển Đông. Tùy vào thiết bị sử dụng và độ cao hoạt động, các khí cầu này có thể theo dõi mục tiêu trong bán kính 200-600km.

Việc sử dụng các khí cầu quân sự để theo dõi không phải là điều mới mẻ. Các khí cầu hiện đại có thể cung cấp các hình ảnh quan trọng một cách nhanh chóng từ khoảng cách xa, cho phép quân đội phản ứng nhanh với các mối đe dọa.

Đây là giải pháp trinh sát rẻ hơn gấp nhiều lần vệ tinh, an toàn tuyệt đối về nhân mạng so với sử dụng máy bay trinh sát, và đảm bảo thời gian hoạt động dài ngày so với máy bay không người lái.

Hải Doan (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-trong-tam-ngam-cua-cac-nuoc-111243.html