Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đưa tàu lên vùng tối Mặt Trăng

Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tàu thăm dò lên khám phá vùng tối của Mặt Trăng, sau khi tên lửa Trường Chinh 3B mang theo tàu này đã được phóng vào 8/12.

Theo CNN, vào lúc 2h23 (giờ địa phương) tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên miền nam Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh 3B đã được phóng lên vũ trụ, mang tàu thám hiểm Hằng Nga 4 có nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng.

Tàu Hằng Nga 4 sẽ bay quanh mặt trăng 5 ngày và dự kiến sẽ đáp xuống trong khoảng từ ngày 1-3/1/2019. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử có một quốc gia thám hiểm vùng tối của mặt trăng.

Tên lửa Trường Chinh 3B mang theo tàu thám hiểm Hằng Nga 4 được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào sáng 8/12. Ảnh: Tân Hoa xã.

Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 là tiến hành thí nghiệm thiên văn tần số vô tuyến thấp (Low frequency Radio Astronomy) đầu tiên trên Mặt Trăng. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ thăm dò liệu thực vật có thể phát triển trong môi trường trọng lực thấp trên Mặt Trăng hay không, và cũng sẽ đi tìm nước cùng các nguồn tài nguyên khác ở hai cực.

Một yêu cầu khác của nhiệm vụ này là nghiên cứu tác động qua lại giữa gió Mặt Trời và bề mặt Mặt Trăng.

Ông Lưu Đồng Kiệt, phó giám đốc Trung tâm Thám hiểm Mặt trăng và Chương trình Không gian của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Vì vùng tối của Mặt Trăng được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của điện từ trường từ Trái Đất, đây là nơi lý tưởng để nghiên cứu môi trường vũ trụ và các vụ nổ Mặt Trời, và tàu thăm dò cũng có thể 'lắng nghe' những gì diễn ra từ xa hơn trong vũ trụ".

Do vùng tối của Mặt Trăng không bị nhiễu bởi tần số vô tuyến, nhiệm vụ lần này yêu cầu một vệ tinh chuyển tiếp để truyền tín hiệu và nó đã được phóng vào vị trí trong năm nay.

Tàu thám hiểm Hằng Nga 4 dài 1,5 m và rộng khoảng 1 m, có sáu bánh xe và hai tấm pin mặt trời có thể gấp lại.

Bà Joan Johnson-Freese, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ và là môt chuyên gia về chương trình vũ trụ của Trung Quốc, cho rằng nước này đang "mong muốn được đưa vào sách kỷ lục nhờ thành tựu chương trình không gian của họ".

Chuyên gia này cũng nhận định: "Rất có thể là với thành công của Hằng Nga và thành công của dự án Thần Châu đưa người lên không gian, hay chương trình này sẽ được kết hợp lại để đưa phi hành gia Trung Quốc lên Mặt Trăng. Nhiều khả năng cuộc gọi tiếp theo từ Mặt Trăng về Trái Đất sẽ được thực hiện bằng tiếng Hoa Quan thoại (ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc)".

Sơn Trần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trung-quoc-tro-thanh-nuoc-dau-tien-dua-tau-len-vung-toi-mat-trang-post898764.html