Trung Quốc: Trái đắng của 'kế hoạch hóa gia đình'

Dù ở thành phố hay vùng nông thôn của Trung Quốc, những người trẻ tuổi đang phải chịu sự trói buộc của các nhân tố chính trị, điều kiện kinh tế và quan niệm truyền thống. Tư tưởng tôn sùng chủ nghĩa độc thân, không kết hôn đang dần bén rễ.

Một lễ cưới tập thể được tổ chức tại Đại học Đông Bắc, thành phố Thẩm Dương

Trái đắng

Năm 1982, chính phủ Trung Quốc đưa kế hoạch hóa gia đình trở thành quốc sách cơ bản. Từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm dần theo từng năm và ở mức báo động. Năm 2014, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau hơn 30 năm. Sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn đã trực tiếp dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ sinh; đầu năm 2016, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thực hiện chính sách cho phép sinh con thứ hai nhưng không mấy hiệu quả.

Theo truyền thống, Cục Thống kê Quốc gia hàng năm đều công bố các dữ liệu GDP, việc làm, dân số mới sinh… của năm trước. Tuy nhiên, năm nay Trung Quốc không công bố số liệu thống kê về dân số sinh năm 2020. Ông Ninh Cát Triết, Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia, giải thích tại cuộc họp báo: “Tổng điều tra dân số mười năm một lần, cuộc điều tra dân số lần thứ sáu được tiến hành vào tháng 11/2020 sẽ được công bố kết quả vào tháng 4 năm nay. Số liệu không thể cung cấp hôm nay, mong các bạn thông cảm”.

Tư duy “trọng nam khinh nữ” của các gia đình Trung Quốc đã xát thêm muối vào vết thương của “cuộc khủng hoảng dân số”. Sự kỳ thị giới tính trong bối cảnh hạn chế sinh đẻ đã dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc. Theo thống kê, ở Trung Quốc hiện có hơn 30 triệu “đàn ông thừa” không lấy được vợ.

Hà Quân nhớ lại, từ lúc học đại học đến khi đi làm, xung quanh anh rất ít phụ nữ chứ chưa nói đến cơ hội lựa chọn đối tượng chất lượng cao. Anh nói: “Tỷ lệ nam nữ mất cân đối nghiêm trọng. Xung quanh tôi chỉ toàn đàn ông và rất ít phụ nữ. Thỉnh thoảng cũng có một vài cô gái, nhưng họ không phải là mẫu người tôi thích, đó là lý do tại sao đến giờ tôi vẫn độc thân”.

Đồng thời, trình độ học vấn của phụ nữ ngày càng cao đã khiến địa vị xã hội và sức mạnh kinh tế của phụ nữ ngày càng cao. Phụ nữ hiện đại có quyền có nhiều khả năng hơn để theo đuổi sự phát triển bản thân. Kết hôn và sinh con không phải là lựa chọn duy nhất của họ. Các chính sách cũ, truyền thống bị biến dạng và những tư tưởng thời đại mới đã tạo ra hai nhóm bị gạt ra rìa thị trường hôn nhân là phụ nữ có thu nhập cao, học vấn cao và nam giới có thu nhập thấp, học vấn thấp.

Bà Ngô Tú Minh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển tư vấn Sơn Tây nói rằng, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề “phụ nữ thừa” ở thành thị và “đàn ông thừa” ở nông thôn là thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và thúc đẩy hai lớp người này kết hôn cùng nhau. Các cư dân mạng giễu cợt đây là “chính sách được nghĩ ra sau mười năm đông máu não”, có người thậm chí đặt câu hỏi: “Phụ nữ thành thị đã làm gì sai, để bị ghép với đàn ông nông thôn ế thừa?”.

Thách cưới “Tam đại kiện”

Trong con mắt của thế hệ Thiên niên kỷ, hôn nhân không chỉ khảo nghiệm tình cảm của hai người mà còn cả độ dày ví tiền của họ. Tiền cheo cần thiết để kết hôn đã trở thành một áp lực nặng nề đối với một số gia đình. Với sự phát triển kinh tế, sự tăng giá của tiền cheo đã làm chùn bước những đôi bạn trẻ muốn tay trong tay bước vào hôn trường; nhiều địa phương đã xuất hiện khoản thách cưới “Tam đại kiện” (ba khoản lớn) tiền triệu.

Tiểu Từ, một chàng trai nông thôn sống ở huyện Khúc Châu, tỉnh Hà Bắc, đã giới thiệu một số truyền thống kết hôn ở vùng nông thôn với phóng viên. Anh nói: “Trước hết, người mai mối sắp xếp một cuộc gặp với tiền công khoảng 30-50 tệ (1 tệ = 3.500 VND). Bất kể bạn có gặp hay không, có nói chuyện hay không, bất kể sau đó như thế nào, họ đều tính phí nếu sắp xếp cho hai bên gặp nhau”. Sau buổi hẹn hò nếu đôi bên đều thấy ổn thì bắt đầu bàn chuyện cưới xin. Đầu tiên là vấn đề tiền đặt cọc, đính hôn. Khoản lễ đầu tiên ở thành thị khoảng 100 ngàn tệ (350 triệu VND), ở nông thôn có thể tới 200 - 300 ngàn. Tiền cheo trả cho nhà cô dâu quả thực là một con số khá lớn, nhiều gia đình phải đi vay tiền để hoàn thành đám cưới. Đối với Tiểu Từ làm ruộng ở quê, đây là một “con số thiên văn”, nhưng anh nói, đây là truyền thống, nếu ít hơn cha mẹ cô dâu sẽ bị chê cười.

Giá thành kết hôn cao có lẽ khiến những người lớp 8X, 9X này sợ hãi khi nhìn vào cuộc hôn nhân của mình sau khi cưới với chi phí nhà ở cao và chi phí học hành của con cái, khiến họ “không ngần ngại” buông tay nhau. Phòng tân hôn từ lâu đã trở thành điều kiện tiên quyết để các gia đình Trung Quốc kết hôn, nhưng sự tăng giá của thị trường bất động sản không tỷ lệ thuận với việc tăng lương của người dân, nên có cư dân mạng than “Giá nhà đã trở thành thứ thuốc tránh thai hiệu quả nhất”.

Sống ở Bắc Kinh, thành phố có giá nhà cao thứ hai cả nước, Hà Quân thẳng thắn thừa nhận rằng anh không thể mua được một căn phòng để cưới với mức thu nhập của mình và tài sản do cha mẹ tích lũy được. Anh nói: “Giá nhà Bắc Kinh rất cao. Một số nhà cô dâu muốn tài sản được chia bằng cách ghi thêm tên người vợ vào giấy chứng nhận bất động sản. Tuy nhiên, với mức thu nhập hiện tại, tôi không đủ khả năng mua một căn nhà. Vì vậy, căn nhà về cơ bản là của thế hệ cha mẹ, thậm chí là thế hệ ông bà, công sức của hai thế hệ, giá này quá cao để tôi đem ra dùng cho cuộc hôn nhân của mình”.

Thu Thủy (Theo Sina)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-trai-dang-cua-ke-hoach-hoa-gia-dinh-post1330823.tpo