Trung Quốc: 'Toàn dân làm chip' và hậu quả nặng nề

Để thống lĩnh ngành công nghiệp chip toàn cầu, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp huy động đầu tư quy mô lớn để sản xuất theo kiểu 'toàn dân làm chip' nhưng kết quả đã không đạt được như ý muốn.

 Giấc mơ vung tiền đầu tư để giành quyền thống lĩnh công nghiệp chip của Trung Quốc đã không thành (Ảnh: Creaders).

Giấc mơ vung tiền đầu tư để giành quyền thống lĩnh công nghiệp chip của Trung Quốc đã không thành (Ảnh: Creaders).

Theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 26/1, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp huy động quy mô lớn và Quỹ đầu tư công nghiệp IC quốc gia vung tiền hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn kiểu Đại nhảy vọt. Tuy nhiên, bên cạnh bong bóng đầu tư là rất nhiều dự án dở dang, thua lỗ.

Để tăng tỷ lệ chip tự sản xuất và nắm quyền thống lĩnh ngành sản xuất chip, Trung Quốc đã cung cấp số tiền lớn và tiến hành huy động quy mô lớn. Một quỹ đầu tư lớn được thành lập từ tháng 9/2014, vốn đăng ký giai đoạn 1 là 98,72 tỷ NDT, quy mô đầu tư đạt 138,7 tỉ NDT; tới tháng 10/2019, giai đoạn 2 của quỹ cũng được thiết lập, với số vốn là 204,15 tỉ NDT.

Quá trình sản xuất nội địa chip Trung Quốc đang dần tiến triển, nhưng kết quả thu được còn xa mới đạt ý tưởng ban đầu. Kế hoạch ban đầu là đạt tỷ lệ tự chủ chip 40% vào năm 2020 đã hoàn toàn thất bại. Theo Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, năm 2020, các công ty Trung Quốc đã mua các sản phẩm bán dẫn trị giá 103 tỉ USD, trong đó chỉ có 15,9% là từ các nhà cung cấp trong nước. Morgan Stanley cũng ước tính rằng tỷ lệ sản xuất chip của Trung Quốc tới năm 2025 chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 70% ban đầu.

Sản xuất thiết bị bán dẫn là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc

Ngoài ra, thống kê của IC Insights cho thấy giá trị sản lượng chip bán dẫn được sản xuất tại Trung Quốc năm 2020 đạt 22,7 tỉ USD, với tỷ lệ tự sản xuất là 15,9%. Nhưng điều đáng nói là con số này còn bao gồm cả giá trị sản lượng của các công ty nước ngoài như TSMC, UMC, Samsung, SK Hynix, Intel...có nhà máy tại Trung Quốc. Trên thực tế, giá trị sản lượng chip do các công ty có trụ sở chính ở Trung Quốc sản xuất chỉ đạt 8,3 tỉ USD, tỷ lệ tự sản xuất chỉ là 5,8%.

Giá trị số lượng chip do các công ty Trung Quốc sản xuất rất thấp (Ảnh:

kissbaidu).

Tại sao Trung Quốc khó sản xuất chip cao cấp? Ngành công nghiệp bán dẫn có sự phân công lao động rất tỉ mỉ, có thể được chia thành bốn khâu chính bao gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Trung Quốc đã đạt được kết quả tốt trong đóng gói và thử nghiệm, cũng đạt được một số kết quả nhất định trong thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) bị độc quyền bởi ba nhà sản xuất Mỹ Synopsys, Yihua và Mentor International, nhà sản xuất EDA lớn nhất Trung Quốc chỉ chiếm 1% thị phần.

Mặt sản xuất là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc. Trong thị trường máy khắc quang học toàn cầu, ASML là công ty độc chiếm dẫn đầu. ASML cũng là một khâu của dây chuyền công nghệ. Ống kính của máy quang khắc tia cực tím (EUV). gần như được độc quyền bởi hãng Zeiss của Đức và công nghệ laser nằm trong tay Cymer của Mỹ.

Trung Quốc đã sớm nhận ra nhu cầu phát triển máy quang khắc, nhưng sau khi quy trình chuyển từ micromet sang nanomet, họ đã không thể theo kịp thế giới, và khoảng cách ngày càng lớn hơn.

Huawei bị trừng phạt, ông Tập Cận Bình quyết tâm tự phát triển bán dẫn

Trong vài năm qua, lộ trình chống Trung Quốc của ông Trump cũng đã thúc đẩy tiến trình tự phát triển chip của Trung Quốc. Sau khi Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu vào năm 2018, họ đã tích cực thuyết phục các đồng minh từ chối sử dụng Huawei để xây dựng mạng 5G; vào năm 2019, Huawei và các công ty con của họ đã được đưa vào danh sách thực thể và các công ty Mỹ bị cấm giao dịch với Huawei. Tháng 5 và 2 tháng 8/2020 hai lần Mỹ siết chặt áp đặt lệnh cấm đối với Huawei. Nếu sử dụng công nghệ Mỹ cho nghiên cứu và sản xuất, họ phải xin phép mới được cung cấp cho Huawei. Điều này gần như đã cắt đứt đường sống của Huawei.

Huawei liên tiếp hứng chịu đòn trừng phạt của Mỹ (Ảnh: Creaders).

Động thái này khiến Trung Quốc bắt đầu đối mặt với thực tế là phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài về chip bán dẫn. Vào tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều lĩnh vực; để thoát khỏi mối đe dọa, ông Tập Cận Bình yêu cầu hỗ trợ chính sách về tài chính, ngân hàng và thuế cho các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp có thành tựu.

Với việc tham vọng của Trung Quốc gia tăng, một lượng lớn quỹ đã được đầu tư từ chính quyền trung ương, địa phương và khu vực tư nhân. Vào tháng 9/2020, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Tài chính đã ban hành một tuyên bố chung về mở rộng đầu tư vào các ngành chiến lược mới nổi trong tám lĩnh vực. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỉ USD trong 5 năm từ 2020-2025 để phát triển chất bán dẫn thế hệ thứ ba.

Tập đoàn Tử Quang được đầu tư rất lớn (Ảnh: Creaders).

Trung Quốc miễn 10 năm thuế thu nhập đối với các quy trình chế tạo chip dưới 28nm

Không chỉ vậy, Bộ Tài chính Trung Quốc vào tháng 12/2020 đã thông báo rằng các nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc có quy trình chế tạo chip dưới 28 nanomet và các công ty sản xuất có thời gian hoạt động trên 15 năm sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 10 năm, mở rộng ưu đãi thuế cho toàn bộ chuỗi ngành, là chính sách miễn thuế bán dẫn lớn nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, dưới sự bùng nổ trào lưu cả nước làm chip, ngành công nghiệp chip rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vào tháng 10/2020, Mạnh Vĩ, người phát ngôn Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc đã chỉ ra rằng một số công ty "ba không" (không có kinh nghiệm, không có công nghệ và không có nhân tài) cũng tham gia vào ngành sản xuất vi mạch tích hợp (IC). Chính quyền địa phương không có đủ kiến thức về sự phát triển của ngành, phát triển mù quáng, xuất hiện việc xây dựng trùng lặp và tiêu chuẩn thấp rất rõ ràng, thậm chí xây dựng đình trệ và có những nhà máy bỏ trống, gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng.

Tuần báo Kinh tế Trung Quốc đưa tin, những người trong ngành tiết lộ rằng ngay cả các doanh nghiệp xây dựng, may mặc, xi măng, thủy sản và phụ tùng ô tô cũng đang "chuyển sang sản xuất chip". Chỉ cần phạm vi kinh doanh liên quan đến chip, họ sẽ được giảm thuế hoặc địa phương tài trợ. Nhiều công ty đã cố gắng hết sức để tăng độ nóng, nhưng nhiều người chỉ muốn lừa lấy kinh phí.

Công ty bán dẫn Trung Cảnh, Giang Tô đầu tư 12 tỉ NDT và thất bại sau nửa năm khởi công nhà máy ở Hu Di (Ảnh: icsmart.cn).

Các vụ đầu tư bán dẫn dở dang xuất hiện khắp Trung Quốc

Tham vọng càng mở rộng thì nguy cơ thất bại càng tăng. Trong những năm gần đây, các dự án đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn có danh tiếng lớn và quy mô hàng chục tỷ nhân dân tệ đều dang dở, do không hiểu đầy đủ về dự án, không tính hết rủi ro đầu tư, thiếu ràng buộc về xây dựng dự án, ... nên tiến độ của dự án đình trệ, biến mất hoặc để lại một đống đổ nát khiến chính quyền các địa phương đối mặt với áp lực tài chính lớn.

Ví dụ, Giang Tô Hu Di nổi tiếng với tôm hùm, năm 2017, Công ty bán dẫn hàng không vũ trụ Trung Cảnh Giang Tô đã đầu tư tổng cộng 12 tỉ nhân dân tệ, trên diện tích 703 mẫu Anh và theo kế hoạch sau khi hoàn thành giá trị sản lượng hàng năm là 12,5 tỉ nhân dân tệ; dự án khởi công vào cuối năm 2017 và dự kiến hoàn thành, đi vào sản xuất trước cuối tháng 12/2018, nhưng Hu Di đã biến mất sau nửa năm khởi công và không bao giờ được nhắc đến nữa.

Một ví dụ khác là Dehuai Semiconductor (Đức Hoài Bán dẫn), được thành lập tại huyện Hoài Âm vào năm 2016 với tổng vốn đầu tư là 45 tỉ nhân dân tệ, trong đó giai đoạn đầu là 12 tỉ nhân dân tệ, trên diện tích 257 mẫu Anh. Dự kiến sản lượng hàng năm 240.000 tấm wafer CIS loại 12 inch. Dehuai Semiconductor có tham vọng “đứng thứ nhất Trung Quốc và thứ 2 thế giới, lớn như Samsung”. Kết quả là, không giống như sự biến mất của Trung Cảnh, những năm gần đây, tin đồn về việc Đức Hoài ngừng hoạt động, kinh doanh dở dang, nợ lương và thậm chí phá sản chưa bao giờ vắng.

Nhà máy của Đức Hoài Bán dẫn tham vọng "thứ nhất Trung Quốc thứ nhì thế giới) giờ bỏ hoang (Ảnh: Sina).

Ngoài ra còn có Thành Đô GF, Thiểm Tây Côn Đồng, Tử Quang và Vũ Hán Hồng Tâm, đều là những trường hợp rúng động hơn gần đây. Tử Quang là “đội tuyển quốc gia” về bán dẫn của Trung Quốc, nhưng vào cuối năm 2020 đã bội ước trái phiếu nhiều lần; Vũ Hán Hồng Tâm, công ty tuyên bố đã đầu tư 128 tỉ nhân dân tệ và vung tiền thuê chuyên gia Tưởng Thượng Nghĩa, nhưng thiếu hụt kinh phí lớn vào năm 2020 và đã bị chính quyền thành phố Vũ Hán tiếp quản, được gọi là "vụ lừa đảo chip lớn nhất Trung Quốc", Tưởng Thượng Nghĩa cũng gọi đây là "một cơn ác mộng" sau khi anh ta nghỉ việc.

New York Times chế giễu Trung Quốc sử dụng tư duy ngành sản xuất truyền thống để phát triển chất bán dẫn

Theo phân tích của giới truyền thông Trung Quốc, những dự án chưa hoàn thành này có một đặc điểm chung. Trước khi dự án bán dẫn được triển khai, chúng được biết đến là “hàng đầu đất nước”, “hàng đầu thế giới”, v.v., cùng với việc hét giá lợi tức đầu tư cực cao, vẽ ra một viễn cảnh tuyệt đẹp cho chính quyền địa phương, là sự cám dỗ lớn đối với những quan chức muốn đạt được thành tựu chính trị. Và họ đã không hề xem xét liệu địa phương có nguồn lực tài chính và nền tảng công nghiệp hay không.

Ngoài miếng bánh vẽ quá lớn, việc đóng băng tiền vốn và quản lý kém cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhiều trường hợp cuốn theo "cơn sốt chip" ở Trung Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn có tính chuyên môn hóa cao và rất khó đầu tư. Nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc mới tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng lại gọi đầu tư theo tư duy đầu của ngành công nghiệp truyền thống, không hiểu được quy luật phát triển của ngành bán dẫn cũng như không thể dự đoán chính xác dự án có thành công hay không.

Một số chính quyền địa phương thiếu kiến thức về ngành và hiểu biết kỹ thuật, không hoàn thành trách nhiệm điều tra về dự án, thậm chí họ biết mình thiếu kiến thức chuyên môn nên cố tình mời các chuyên gia nước ngoài quản lý, nhưng phần lớn gặp phải những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, các chính quyền địa phương cũng thiếu ràng buộc về nội dung hợp đồng khi đàm phán nên một phần kinh phí bị chuyển ra nước ngoài, sau rất khó thu hồi.

Một nhà máy sản xuất chip lớn giờ thành nhà kho logistics (Ảnh: icsmart.cn).

Tờ New York Times đã mô tả Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được những tiến bộ, như thể họ muốn tiến từ sản xuất đồ chơi bằng nhựa sang sản xuất các tấm pin mặt trời ngay, nhưng trong lĩnh vực bán dẫn, điều này là không thể được. Giá thành công nghệ của ngành công nghiệp bán dẫn cực kỳ cao và nhiều thương hiệu có tên tuổi phải mất hàng thập kỷ mới tích lũy được công nghệ, Trung Quốc không dễ vượt qua họ một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, New York Times cũng chỉ ra rằng mặc dù sức mạnh hiện tại của Trung Quốc trong ngành công nghiệp chip vẫn kém xa so với những gã khổng lồ trong ngành của Mỹ như Intel và Nvidia, và kém TSMC ít nhất 4 năm về sản xuất, nhưng Trung Quốc thực sự đã dần mở rộng thực lực, trước mắt đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước với yêu cầu kỹ thuật tương đối thấp, chẳng hạn như đồ gia dụng, xe điện.

Vào giữa tháng 8 năm 2020, Huawei đã khởi động "Dự án Nam Nê Loan", nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp trong giai đoạn khó khăn, cốt lõi là phi Mỹ hóa linh kiện và tăng cường hỗ trợ cho các nhà sản xuất địa phương. Dự kiến bao gồm máy tính xách tay, màn hình thông minh, sản phẩm nhà thông minh IoT, v.v. Vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng nội bộ Huawei đã khởi động "Dự án Tháp Sơn", dự định hợp tác với các công ty liên quan để xây dựng dây chuyền sản xuất 45 nanomet hoàn toàn không có công nghệ Mỹ.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-toan-dan-lam-chip-va-hau-qua-nang-ne-post142398.html