Trung Quốc tố Mỹ phát triển tên lửa cấm trước khi rời INF

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/12 đã bác bỏ các tuyên bố của Mỹ rằng Nga vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cho rằng chính những phát ngôn của Lầu Năm Góc đã chứng tỏ Washington phát triển tên lửa bị cấm từ trước khi rời INF.

Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Sputnik

Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Sputnik

Đài Sputnik đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định các tuyên bố và các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Washington đã chứng tỏ nước này đã phát triển tên lửa bị cấm trong INF từ trước khi chính thức rút khỏi hiệp ước.

“Từ ngày 2/8 năm nay, khi Mỹ tuyên bố rời khỏi INF, Lầu Năm Góc đã tiến hành hai vụ thử tên lửa phóng từ mặt đất. Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper tự hào tuyên bố Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho các vụ phóng từ tháng 2. Tôi muốn các bạn lưu ý rằng Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi INF vào ngày 2/8, song người đứng đầu Lầu Năm Góc lại cho biết họ chuẩn bị phóng từ tháng 2. Điều này một lần nữa chứng minh các đánh giá của chúng tôi trước đó rằng Mỹ đã tính đến việc rời khỏi INF từ trước”, bà Hoa phát biểu tại cuộc họp báo.

Theo bà, quyết định rời khỏi INF của Washington chỉ vì một động cơ duy nhất là đảm bảo uy quyền quân sự thông qua việc phát triển các công nghệ tên lửa tiên tiến. Bà nói thêm: "Việc Mỹ bóp méo sự thật về việc vi phạm thỏa thuận của Nga và mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc là một màn trình diễn vụng về nhằm lừa dối người khác".

Hôm 12/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã khen ngợi kết quả thử nghiệm thành công cùng ngày của một loại tên lửa phóng từ mặt đất bị cấm trong INF. Ông Esper cho biết quả tên lửa đã được hoàn thiện trong chưa đầy 9 tháng, thay vì hai năm như bình thường, từ giai đoạn bản vẽ đến giai đoạn lên bệ phóng. Theo quan chức trên, công tác phát triển tên lửa này được bắt đầu sau khi Mỹ rút khỏi INF.

Cuộc thử nghiệm diễn ra từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại bang California. Đây là vụ thử tên lửa lần thứ hai của Lầu Năm Góc, vốn không được phép theo Hiệp ước INF. Trước đó, hôm 19/8 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Hiệp ước INF, do cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Tổng thống Liên bang Xô viết trước đây Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987, đã chấm dứt từ ngày 2/8 theo sáng kiến của Chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi Washington chính thức dừng tuân thủ INF 6 tháng trước đó. Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF kéo theo việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước này.

Cả hai nước Mỹ - Nga đều nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước cấm sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km này. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Vụ thử tên lửa trên diễn ra trong bối cảnh trước đó trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm Washington và gặp Tổng thống Donald Trump cùng người đồng cấp Mike Pompeo. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại đề nghị của Nga về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa hai bên. Về phần mình, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc đối thoại chiến lược, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-to-my-phat-trien-ten-lua-cam-truoc-khi-roi-inf-20191213153444138.htm