Trung Quốc tố Mỹ 'bắt nạt'

Thông qua sáng kiến bảo mật dữ liệu toàn cầu vừa công bố, Bắc Kinh dường như đang tự nhận họ là 'nạn nhân' trước các chính sách 'bắt nạt' của Mỹ trên không gian mạng.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “tầm ngắm”. Ảnh: Nikkei Asian Review

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “tầm ngắm”. Ảnh: Nikkei Asian Review

“Sáng kiến Toàn cầu về An ninh Dữ liệu” được Bắc Kinh công bố hôm 8-9 giữa lúc Mỹ liên tục gia tăng áp lực lên các tập đoàn công nghệ đại lục. Washington cũng không ngừng thuyết phục đồng minh loại bỏ công nghệ Trung Quốc khỏi mạng lưới của họ.

Theo CNBC News, đề xuất mới gồm 8 điểm chính và đa phần liên quan cáo buộc của Mỹ gần đây. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như yêu cầu những bên ký cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền kiểm soát và quản lý dữ liệu của quốc gia khác. Các công ty công nghệ được khuyến cáo không đánh cắp dữ liệu, thu thập thông tin công dân nước ngoài một cách bất hợp pháp hoặc tham gia hoạt động giám sát quy mô lớn, sử dụng công nghệ làm suy yếu cơ sở hạ tầng quan trọng của nước khác.

Văn bản còn quy định các nhà cung cấp dịch vụ không cài đặt “cửa hậu” (backdoor) trong sản phẩm của mình và lấy dữ liệu người dùng bất hợp pháp. Trước đó, giới chức Mỹ cho biết đã phát hiện backdoor cài đặt trái phép trên thiết bị do Huawei xây dựng cho các nhà mạng. Các backdoor này khả năng đã tồn tại hơn một thập kỷ qua, chủ yếu trên các thiết bị viễn thông 4G bán từ năm 2009.

Phát biểu hôm 8-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định bộ quy tắc mới phản ánh mong muốn của mọi quốc gia, tôn trọng lợi ích cần có của tất cả các bên. Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giữa thời điểm một số nước chạy theo chủ nghĩa đơn phương, ấp ủ “kế hoạch bẩn” nhằm vào quốc gia khác thông qua cái gọi là “mạng lưới sạch”, lấy cớ an ninh để “săn lùng” các tập đoàn lớn của nước khác. “Đây là hành vi bắt nạt trần trụi cần phản đối và ngăn chặn” - theo ông Vương.

Cáo buộc trên khiến nhiều người nghĩ tới việc Hãng ByteDance (Trung Quốc) đang chịu sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump với hai lựa chọn phải bán hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok cho công ty Mỹ hoặc rời khỏi thị trường này. Tập đoàn Huawei cũng chịu áp lực không kém khi chính phủ nhiều nước đang yêu cầu gỡ tất cả thiết bị hãng này khỏi mạng 5G của họ. Tháng rồi, Huawei tiếp tục chịu “cú sốc” sau khi Washington cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn quan trọng. Chính quyền Trump gần đây còn xem xét đưa nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC vào “danh sách đen”.

Hiện không rõ có quốc gia nào ký vào sáng kiến của Trung Quốc hay chưa và việc những nguyên tắc trên sẽ được thực hiện, giám sát như thế nào. Nhưng qua nội dung được tiết lộ, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có vẻ đang tìm cách tăng cường vai trò trong việc thiết lập các tiêu chuẩn ở lĩnh vực dữ liệu, viễn thông trên toàn thế giới.

Động thái này có thể nhằm cạnh tranh với Mỹ khi Washington cũng cho ra mắt chương trình “Clean Network - Mạng lưới sạch” và đã có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. Mục tiêu của Mỹ là loại bỏ các hãng viễn thông, ứng dụng, nhà cung cấp dịch vụ đám mây và cáp biển của Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng Internet mà nước này và nhiều quốc gia khác sử dụng.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/trung-quoc-to-my-bat-nat--a125268.html