Trung Quốc tìm ra 'thủ phạm' gây dịch tả heo châu Phi

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới đây cho biết phần lớn các ca tả lợn châu Phi sớm ở nước này liên quan đến việc nông dân cho lợn ăn gà phế phẩm, theo Reuters. Việc vận chuyển lợn sống trên quãng đường dài chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan ra nhiều vùng tại Trung Quốc.

Trung Quốc tìm ra "thủ phạm" gây dịch tả lợn châu Phi

Gà phế phẩm thường được sử dụng cho chăn nuôi lợn ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi các nông dân quy mô nhỏ, bởi nó rẻ hơn thức ăn chế biến. Theo quy định, gà phế phẩm phải được nấu tới một nhiệt độ nhất định nhưng giới chuyên gia nói bước này thường bị bỏ qua.

Trung Quốc đã phải tiêu hủy hàng loạt lợn nhiễm tả lợn châu Phi. Ảnh: EPA.

Trong vòng 3 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 12 tỉnh của Trung Quốc. Hôm 22/10, Trung Quốc phát hiện thêm hai trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh ở miền nam. Hầu hết các tỉnh sản xuất lợn đều đã được phong tỏa.

Tang Ke, quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tuần trước cảnh báo giá lợn khả năng cao sẽ tăng trước Tết Âm lịch vào tháng 2/2019. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 55 triệu tấn thịt lợn mỗi năm, hầu hết nguồn cung là từ trong nước.

Người tiêu dùng và cung cấp thịt lợn còn bị ảnh hưởng từ việc thịt lợn nhập từ Mỹ bị áp thuế nhập khẩu, liên quan cuộc chiến thương mại Washington – Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ chuyển sang nhập thịt lợn từ Liên minh châu Âu, Brazil và Canada.

Virus còn ảnh hưởng đến các sản phẩm từ lợn của Trung Quốc xuất ra thế giới. Nhật Bản ngày 23/10 thông báo phát hiện xúc xích heo nhập từ Trung Quốc có nhiễm khuẩn. Virus tả lợn có thể tổn tại trong thịt lợn đông lạnh suốt nhiều năm.

Đến lượt nước Mỹ chật vật đối phó dịch tả

Các quan chức chính phủ Mỹ ngày 19/10 cho biết họ cũng đang tăng cường khả năng xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi và thiết lập kế hoạch phản ứng nhanh nếu phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh.

Virus tả lợn châu Phi xuất hiện ở Mỹ sẽ khiến ngành thịt lợn xuất khẩu trị giá 6,5 tỷ USD của Mỹ không thể xuất hàng, trong bối cảnh ngành công nghiệp này đang chật vật bởi những chính sách thuế đáp trả từ Trung Quốc và Mexico, theo BBC.

Tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm, có thể khiến da xuất huyết, phá hủy nội tạng và khiến lợn chết trong vòng hai ngày.

Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, đã phải tiêu hủy 200.000 con lợn sau các đợt bùng phát dịch tả gần đây. Pháp đang xây một hàng rào sau khi virus tả lợn châu Phi được tìm thấy trên lợn rừng hoang dã ở quốc gia láng giềng Bỉ.

Dù không gây nguy hiểm cho con người, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng chống bệnh tả lợn châu Phi và virus có thể lây lan qua nhiều con đường, trong đó có tiếp xúc trực tiếp giữa các con vật, thông qua thức ăn nhiễm mầm bệnh hoặc người mang virus đi từ nơi này đến nơi khác.

“Đây là một bệnh rất nghiêm trọng, nguy cơ tạo ra những hậu quả kinh tế lớn ở Mỹ”, Greg Ibach, Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ phụ trách các chương trình quảng bá và điều tiết, nói.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang kêu gọi các bác sĩ thú y và nông dân lập tức thông báo trường hợp lợn ốm cho chính quyền để sớm xét nghiệm tả lợn châu Phi. Cơ quan này còn lên kế hoạch phản ứng với nguy cơ nhiễm bệnh và tăng cường khả năng xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm.

“Chúng tôi đang đánh giá các thiếu sót và khả năng”, theo Jack Shere, bác sĩ thú y trưởng tại USDA. “Nếu bệnh xuất hiện ở Mỹ, chúng tôi phải đủ sức phát hiện và phản ứng”.

Smithfield Foods, chi nhánh của WH Group – nhà chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc thăm các cơ sở và nông trại nhằm phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi, người phát ngôn Keira Lombardo cho biết. Những người gần đây có ra nước ngoài đều bị cấm.

Dịch tả lợn châu Phi đang tấn công ở nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc. Ảnh: I.T

Tại bang Minnesota, nông dân nuôi lợn Randy Spronk đã hỏi các nhà môi giới và sản xuất thức ăn như Royal DSM về nguồn gốc vitamin và phụ gia thức ăn mà ông mua. Nếu có nguồn gốc Trung Quốc, ông muốn cất chúng trong kho bởi virus được cho là sẽ chết trong điều kiện khô.

DSM không kiểm dịch đối với các sản phẩm Trung Quốc để ngăn tả lợn châu Phi bởi quá trình vận chuyển hàng từ nước này tới Mỹ mất tới 120 ngày. Đây là quãng thời gian đủ dài để virus không còn khả năng gây bệnh, Hugh Welsh, chủ tịch DSM Bắc Mỹ, lý giải.

New Fashion Pork, sản xuất khoảng 1,4 triệu con lợn/năm tại 7 bang ở Mỹ, cũng đề nghị các công ty thức ăn chăn nuôi giữ những thành phần nhập từ Trung Quốc trong kho ít nhất 30 ngày, Brad Freking, chủ của New Fashion Pork, nói. Freking đang lưu kho những sản phẩm này trong kho thêm 45 ngày nữa.

“Chúng tôi đã đề nghị bên cung ứng kiểm dịch với các thành phần thức ăn”.

Lưu kho thức ăn sẽ tăng chi phí đối với các nông dân bởi việc này đòi hỏi họ có thêm nguồn cung, chưa kể còn liên quan đến không gian kho.

Nhu cầu kiểm dịch vẫn chưa rõ ràng bởi quy trình sản xuất thường loại bỏ dịch bệnh, theo giới chức Mỹ.

BASF SE, chuyên bán thành phần thức ăn chăn nuôi, không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc cho thị trường Mỹ, theo người phát ngôn Tony Graetzer. Công ty cũng không nhập sản phẩm từ những nước châu Âu có dịch tả lợn châu Phi.

“Chính quyền các nước châu Âu và BASF đều rất lo ngại về nguy cơ virus lây lan”, Guardian dẫn lời Graetzer.

Theo Văn Việt (Nông nghiệp Việt Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/trung-quoc-tim-ra-thu-pham-gay-dich-ta-heo-chau-phi-925367.html