Trung Quốc thuê đất khắp thế giới đỡ đòn trừng phạt Mỹ

Nga mời Trung Quốc thuê đất nông nghiệp canh tác bù đắp sản lượng thiệt hại vì đối đầu thương mại Mỹ- Trung.

Khoảng 1 triệu ha đất canh tác ở vùng Viễn Đông Nga đang được các nhà đầu tư Trung Quốc chú ý.

Vùng đất này phù hợp với chăn nuôi lấy sữa hoặc trồng trọt các loại cây như đậu tương, lúa mì và khoai tây.

Nga mời Trung Quốc thuê đất ở Viễn Đông.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang nổ ra, Trung Quốc bị cắt mất nguồn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, nguồn đất canh tác khổng lồ ở Nga sẽ giúp Bắc Kinh khắc phục nhu cầu này.

Theo số liệu từ cơ quan nông nghiệp Rosselkhoznadzor của Nga, Bắc Kinh đã giảm đáng kể lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và mua của Nga số đậu nành nhiều kỷ lục - 850.000 tấn - trong giai đoạn từ giữa tháng 7/2017 đến cuối tháng 5/2018.

Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 800 triệu tấn đậu nành Trung Quốc nhập khẩu từ đầu năm 2018 đến nay.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc trước đó nói rằng nước này sẽ tăng cường trồng đậu nành để giải quyết mối đe dọa của tình trạng thiếu nguồn cung và sẽ tăng thêm 1 triệu ha đất cho cây trồng này trong 2 năm tới.

Giám đốc đầu tư của Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông (Nga) Valery Dubrovskiy cho biết, hiện đã có một số công ty Trung Quốc tỏ ra quan tâm tới đề xuất này.

"Chúng tôi hy vọng phần lớn đầu tư sẽ đến từ Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng 50% đầu tư tới từ Trung Quốc, 25% từ các nhà đầu tư trong nước và 25% còn lại từ các nước khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Dubrovskiy cho hay.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông, Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia Jiayi Zhou thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) nghi ngờ về tiềm lực cho thuê mảnh đất lớn này.

Hạ tầng cơ bản và giao thông tại đây vẫn chưa phát triển. Đó sẽ là rào cản đối với việc phát triển ngành nông nghiệp.

"Đất đô thị (tại vùng Viễn Đông của Nga) vốn được kết nối tốt hơn với thị trường, có thể hấp dẫn hơn với các nhà thầu nhưng hầu như đã không còn" - bà Zhou cho hay.

Ông Dmitri Rylko, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường nông nghiệp (Nga), phần lớn những mảnh đất màu mỡ ở vùng Viễn Đông đã có người mua hoặc thuê, trong lúc ngày càng nhiều công ty Trung Quốc ký hợp đồng thuê đất hoặc các thỏa thuận tạm thời khác.

"Những mảnh đất tốt nhất đã có chủ và được nông dân trong nước canh tác, bởi vậy nếu họ (nhà đầu tư Trung Quốc) muốn thuê thêm thì chỉ còn đất ở các vùng xa xôi và năng suất thấp" - ông Rylko giải thích.

Nhưng chất lượng đất không phải là điều quan tâm hàng đầu của nông dân Trung Quốc.

Chuyên gia Zhang Xin tại Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) nhận định: "Ở Viễn Đông tồn tại sự phản đối, nhất là từ cư dân địa phương, đối với các công ty Trung Quốc thuê đất sản xuất nông nghiệp. Họ lo ngại về dòng lao động ồ ạt và bất mãn với phương pháp canh tác nông nghiệp của người Trung Quốc, như dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón".

Vị chuyên gia nói thêm rằng, quyết định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất có thể đến từ Moscow nhưng có được triển khai suôn sẻ hay không còn phụ thuộc vào sự chấp nhận của cư dân vùng Viễn Đông.

Thuê đất nông nghiệp - chiến thuật không đơn giản

Dưới áp lực về lương thực, Trung Quốc đã phải hướng ra ngoài để thuê đất nông nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp nông nghiệp xuất ngoại.

Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ.

Công ty Tân Thiên ở Tân Cương là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Từ năm 1996, Tân Thiên đã đầu tư 50.000 USD vào Cuba để trồng lúa nước. Hai năm sau, công ty này mua thêm 1.050 ha đất ở Mexico.

Tương tự, tháng 3/2004, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã ký thỏa thuận hợp tác “Khu nông nghiệp tổng hợp Trung - Lào” với diện tích 5.000 ha đất với nhiều hạng mục: lâm nghiệp, thủy lợi...

Tờ Nikkei Asian Review từng thống kê, trong 10 năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc tại Bắc Lào, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tại tỉnh Luang Prabang, ngày càng tăng, cả về độ sâu và sự phức tạp.

Hàng ngàn nông dân nhỏ và các doanh nghiệp miền Nam Trung Quốc, chủ yếu là Quảng Tây và Vân Nam tìm sang Bắc Lào để mở công ty, thuê đất làm ăn.

Nông dân Trung Quốc canh tác tại Nga.

Song mục đích chính của Trung Quốc khi mua hoặc thuê đất đai ở nước ngoài phải chăng chỉ đơn thuần nhằm phát triển nông nghiệp?

Ông Lý Vỹ Tường - Phó Chủ tịch Phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc - trả lời tờ The Financial Times: kế hoạch làm nông nghiệp ở nước ngoài của Bắc Kinh mang lại hiệu quả chưa được như ý. Thông thường các doanh nghiệp nước này tự đi ra ngoài hoạt động, chủ yếu là châu Phi do đất đai ở đây dễ mua hoặc thuê.

Tuy nhiên, sau khi mua hoặc thuê đất, họ lại vấp phải nhiều khó khăn như vấn đề an toàn, thiên tai, vận chuyển sản phẩm về nước. Theo ông này, việc ra nước ngoài mua hoặc thuê đất nông nghiệp nhằm bảo đảm vấn đề lương thực chỉ là một cách thử nghiệm.

Đáng nói việc thuê đất, canh tác nông nghiệp ở nước ngoài đồng nghĩa với việc đưa người Trung Quốc sang sinh sống, kết hôn với người bản địa và dần dần là sở hữu đất tại nước sở tại đã biến việc cho thuê đất không còn đơn giản nữa.

Cây bút Veasna Var của The Diplomat khi viết về việc Campuchia chấp nhận các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc đã cho rằng, Campuchia đang chơi một trò chơi mạo hiểm hơn so với Trung Quốc.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-thue-dat-khap-the-gioi-do-don-trung-phat-my-3363789/