Trung Quốc thừa nhận cơ hội ít ỏi của TikTok trước Mỹ, 'e sợ' một nguy cơ còn nghiêm trọng hơn

Tờ SCMP dẫn lời một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể không đồng ý với việc chính phủ Mỹ đòi mua TikTok, nhưng công ty mẹ của ứng dụng là ByteDance ở Bắc Kinh lại không có nhiều lựa chọn.

Tổng thống Donald Trump mới đây đã đe dọa sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ nếu không hoàn tất hợp đồng bán cho một công ty Mỹ trước ngày 15/9. Ông cũng tuyên bố, chính phủ Mỹ "nên có được một tỷ lệ phần trăm rất lớn trong thỏa thuận đó bởi vì chúng tôi khiến nó trở nên khả thi".

Đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin phát biểu hôm thứ 3 (4/8) rằng, động thái chống lại TikTok là "một hành động bắt nạt rõ ràng" và "hoàn toàn chi phối chính trị".

"Trong khi không có bằng chứng, Mỹ đã suy diễn khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực nhà nước và đàn áp vô li một số doanh nghiệp nước ngoài", ông Wang chỉ trích.

Tổng thống Trump muốn TikTok chỉ có thể hoạt động tại Mỹ nếu được bán cho một công ty Mỹ (ảnh: getty)

Tổng thống Trump muốn TikTok chỉ có thể hoạt động tại Mỹ nếu được bán cho một công ty Mỹ (ảnh: getty)

Chia sẻ với SCMP, các chuyên gia Trung Quốc cũng tỏ ra bất bình trước động thái của chính quyền Trump đối với ByteDance và TikTok.

Giáo sư Victor Gao tại Đại học Soochow gọi đó là "sự độc đoán". "Mỹ đang sử dụng quyền lực nhà nước để ép bán", ông Gao nhận xét. "Điều này không chỉ phá hủy hình ảnh quốc gia [của Mỹ] và phá vỡ các nguyên tắc kinh tế thị trường họ vẫn luôn theo đuổi, mà còn làm nản lòng những nỗ lực cải tiến của các công ty Trung Quốc và Mỹ".

Còn nhà nghiên cứu Mei Xinyu từ Bộ Thương mại Trung Quốc miêu tả vụ việc như một "vụ cướp". "Nó trái ngược lại với cách Trung Quốc xử lý Google và Facebook", bà Mei chỉ ra. "Luật pháp và quy định của Trung Quốc rất rõ ràng. Anh có thể gia nhập thị trường Trung Quốc nếu tuân theo và có thể rời bỏ nếu không muốn tuân theo. Mỹ không có những quy định và luật lệ rõ ràng như vậy [trong trường hợp TikTok]."

Mặc dù vậy, hầu hết chuyên gia đều nhất trí, BteDance hầu như không còn lựa chọn nào khác trong tình huống hiện tại – họ có thể chọn bán TikTok, đóng cửa hoặc khởi kiện quyết định của Mỹ tại tòa án. Tuy nhiên, lựa chọn pháp lí sẽ có rất ít, thậm chí là không có cơ hội thành công.

Trong một lá thư gửi tới nhân viên ngày 3/8, nhà sáng lập startup ByteDance Zhang Yiming nói, ông "hiểu" nhưng "không đồng ý" với các kết luận của Ủy ban liên ngành về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) rằng, công ty phải hoàn toàn từ bỏ hoạt động của TikTok tại Mỹ, đồng thời cho hay, "giải pháp cuối cùng" hiện vẫn chưa rõ ràng.

"Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định an toàn cho người sử dụng, tính trung lập của nền tàng và sự minh bạch. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu quyết định của họ trong môi trường vĩ mô hiện tại", ông Zhang viết trong thư.

Trong một thông cáo khác phát đi cùng ngày, ByteDance nói, cho dù phải đối mặt "các khó khăn phức tạp và không thể tưởng tượng được" trong môi trường toàn cầu, công ty sẽ "chủ động sử dụng các quyền được luật pháp cho phép để bảo vệ quyền pháp lí và lợi ích của mình".

Theo trợ lí giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hong Kong Dov Levin, ByteDance có thể cân nhắc xin lệnh ngăn chặn chỉ thị của Tổng thống Trump từ một tòa án Mỹ. "Tuy nhiên, tỷ lệ thành công không cao do đây là một chỉ thị của chính phủ Mỹ có viện dẫn lý do an ninh quốc gia và rất hiếm khi khiến các tòa án Mỹ phải xem xét lại hoặc thay đổi", ông Levin giải thích.

Còn học giả Dong Jielin tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ thuộc Đại học Thanh Hoa đánh giá, lựa chọn tốt nhất cho ByteDance là bán đi TikTok tại Mỹ.

"Nếu họ lựa chọn từ bỏ Mỹ thay vì bán đi, các cổ đông sẽ không có được một xu nào và đó sẽ là một quyết định thiếu khôn ngoan đối với công ty", ông Dong nói. Bên cạnh đó, gần như chắc chắn quyết định của chính phủ Mỹ đối với TikTok sẽ không được nới lỏng nhất là sau khi Trung Quốc cũng đã cấm cản nhiều sản phẩm của các công ty công nghệ lớn từ Mỹ.

Ông nhấn mạnh, "nếu TikTok có thể hoạt động tự do tại Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ phải để các ông lớn của Mỹ như Facebook và Goolge vào nhưng Bắc Kinh sẽ không để điều đó xảy ra".

Cũng trong ngày 3/8, Microsoft thông báo, họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán mua loại vận hành tại Mỹ của TikTok sau khi CEO Satya Nadella gặp mặt Tổng thống Trump. Ngoài Microsoft, có ít nhất hai công ty lớn khác được cho là cũng đang tiếp xúc với ByteDance.

Đối với startup Trung Quốc, những thiệt hại từ hoạt động của TikTok tại Mỹ có thể sẽ không lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Mặc dù tự nhận là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên trở nên phổ biến trên toàn cầu nhưng lợi nhuận của ByteDance vẫn dựa vào thị trường nội địa là chủ yếu.

Thống kê của công ty Sensor Tower cho thấy, tính riêng tháng 6, lợi nhuận của Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok, chiếm tới 89% tổng lợi nhuận thu về từ cả hai ứng dụng Douyin và TikTok.

Ông Ben Wootliff từ công ty tư vấn Control Risks cảnh báo, vấn đề lớn hơn là tương lai của các công ty công nghệ Trung Quốc khác hoạt động tại thị trường Mỹ.

"Tôi không nghĩ đó chỉ là vấn đề của TikTok hoặc ByteDance", ông Wootliff nói. Theo ông, bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào vận hành tại Mỹ sẽ "phải thể hiện rất rõ công việc kinh doanh của họ không mang tới bất kỳ nguy cơ an ninh quốc gia nào cho Mỹ, cách họ kiểm soát dữ liệu và tuân thủ theo luật pháp Mỹ hoặc là một lợi ích cho nước Mỹ".

"Ngay cả như vậy, có thể sẽ vẫn rất khó để họ thuyết phục những người phụ trách an ninh quốc gia tại Mỹ", ông Wootliff thừa nhận.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-thua-nhan-co-hoi-it-oi-cua-tiktok-truoc-my-e-so-mot-nguy-co-con-nghiem-trong-hon-20200805100447622.htm