Trung Quốc thử nghiệm xe ô tô chạy trên đệm từ trường

CNBC, dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho biết, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm xe ô tô chạy trên đệm từ trường nhằm mở ra một hướng phát triển xe điện với mức tiêu hao năng lượng thấp nhưng đạt hiệu quả giao thông cao.

 Xe ô tô thử nghiệm trên đệm từ trường. Ảnh video tài khoản Twitter QinduoXu

Xe ô tô thử nghiệm trên đệm từ trường. Ảnh video tài khoản Twitter QinduoXu

Ngày 17/9, hãng tin Tân Hoa xã đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Giao thông Tây Nam ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, thực hiện các cuộc thử nghiệm trên đường tuần trước những chiếc ô tô sửa đổi, sử dụng nam châm điện treo lơ lửng trên đường ray dẫn 35 mm.

Các nhà nghiên cứu đã trang bị cho những chiếc ô tô sedan thử nghiệm các nam châm cực mạnh dưới sàn xe, cho phép xe có thể bay lên trên một đường ray dẫn dài gần 5 dặm (8 km). Theo tin từ Tân Hoa Xã, tổng cộng có 8 xe được thử nghiệm, trong một lần thử nghiệm xe bay đạt tốc độ khoảng 143 dặm (230 km)/giờ.

Trên trang mạng xã hội twitter, một nhà báo Trung Quốc đăng video, quay cảnh các xe ô tô lướt trên đường ray, dù chạy khá gập ghềnh.

Trung Quốc thử nghiệm xe ô tô chạy trên đệm từ trường. Video tài khoản Twitter QinduoXu

Tân Hoa xã cho biết, cuộc thử nghiệm do các cơ quan giao thông vận tải nhà nước tiến hành để nghiên cứu các biện pháp cho phép xe chạy tốc độ cao và an toàn. Nhưng GS Deng Zigang, một trong những nhà nghiên cứu của Đại học Giao thông Tây Nam, tham gia phát triển phương tiện này, trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã giải thích, việc sử dụng lực đẩy từ trường cho các phương tiện chở khách cho phép giảm mức sử dụng năng lượng và tăng phạm vi hoạt động của phương tiện trên các tuyến đường dài. QinduoXu

Nghiên cứu này nhằm giải quyết một vấn đề của ngành công nghiệp xe điện với “sự lo lắng về phạm vi hoạt động ”, hoặc người dùng lo lắng sẽ không thể hoàn thành chuyến du hành trong một chiếc xe điện khi sử dụng hết năng lượng và không kịp sạc.

Nghiên cứu này có thể hướng tới một mục đích lớn hơn, nhằm xác định tính khả thi trong việc phát triển các đường ray trên các đường cao tốc, cho phép các xe điện có thể chạy với tốc độ cao trên khoảng cách xa mà không tiêu hao năng lượng điện, tăng cường năng lực giao thông đường bộ một cách linh hoạt.

Một số đoàn tàu thương mại đã sử dụng lực đẩy từ trường, được gọi là “maglev”, sử dụng lực nâng đẩy của điện từ trường để đẩy các phương tiện vận tải đường sắt với tốc độ cao từ những năm 1980. Hiện nay, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã triển khai thương mại tàu điện từ trường. Năm 2021, Trung Quốc đã giới thiệu tàu cao tốc maglev ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, có thể đạt tốc độ tối đa đến 373 dặm 600 km/giờ .

Trên cơ sở lý thuyết, công nghệ maglev cho phép xe di chuyển với tốc độ cao mà không cần sử dụng nhiều năng lượng như công suất của động cơ truyền thống do không có ma sát. Công nghệ maglev được đề xuất trong các dự án hyperloop từ công ty The Boring của Elon Musk và Virgin Hyperloop One của Richard Branson. Các nhà khoa học đã nghiên khám phá tiềm năng của xe hơi maglev trong hơn một thập kỷ, Volkswagen cũng đã thiết kế một mẫu xe hover năm 2012 .

AutomoBlog lưu ý, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong một dự án triển khai các đường ray trên các tuyến đường cao tốc. Đặc biệt là vấn đề an toàn, bằng cách nào đảm bảo cho 1 chiếc xe maglev đang chạy với tốc độ cao không trượt ra khỏi đường ray hoặc xe bất ngờ mất từ tính trên đường chạy. Một vấn đề rất lớn là cơ sở hạ tầng: xây dựng một mạng lưới đường cao tốc điện từ trên toàn quốc đòi hỏi mức đầu tư rất lớn và thời gian dài.

Mặc dù vậy, theo một bài đăng trên LinkedIn năm 2018 của George Sassine, Phó chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Năng lượng bang New York: “thời đại từ tính” có thể cách mạng hóa ngành năng lượng và chống biến đổi khí hậu.” Do đó, những thách thức này hoàn toàn có thể vượt qua. Ông viết: “Mặc dù nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng giao thông từ tính rất có thể là cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong 50 năm nữa”.

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-thu-nghiem-xe-o-to-chay-tren-dem-tu-truong-post160557.html