Trung Quốc thông qua BRI giành hợp đồng in tiền cho nước ngoài

Nhiều nguồn tin trong Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc (CBPMC) tiết lộ, những nhà máy sản xuất tiền trên toàn quốc gần như phải hoạt động hết công suất để đạt được chỉ tiêu cao bất thường mà chính phủ nước này đặt ra cho năm nay.

Đặc biệt, nhu cầu in nhân dân tệ Trung Quốc rất ít mà chủ yếu là tiền của các nước có tham gia sáng kiến Vành đai và con đường, theo một nguồn tin giấu tên.

CBPMC là doanh nghiệp quốc doanh, trụ sở đặt tại quận Tây Thành của thủ đô Bắc Kinh. Đơn vị có hơn 18.000 nhân viên, vận hành hơn 10 cơ sở in - đúc tiền.

Hình thức thanh toán di động ngày càng phổ biến tại Trung Quốc khiến nhu cầu sử dụng và in ấn tiền mặt giảm đi nhiều. Từ thành phố lớn đến làng quê hẻo lánh, điện thoại thông minh chính là ví tiền, hầu hết các thanh toán đều được số hóa. Nhiều nhà máy vì vậy mà thiếu việc làm.

Thanh toán di động đang “lên ngôi” tại Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, tình hình đột ngột thay đổi vào đầu năm nay. Nhà máy in tiền giấy lớn nhất Trung Quốc tại thành phố Bảo Định (tỉnh Hà Bắc) đang gấp rút sản xuất để giao nhiều đơn hàng lớn. Theo một công nhân: “Máy móc của chúng tôi đã chạy hết công suất trong hàng tháng nay”.

Bỗng nhiên có đơn hàng lớn khiến nhu cầu hơi nước (cần thiết cho quá trình làm tiền giấy) tăng cao, kéo theo là nhu cầu điện. Vì vậy, không chỉ riêng nhà máy in tiền mà cả toàn thành phố Bảo Định đang phải cố gắng giữ được tốc độ sản xuất.

Một nhân viên khác của nhà máy cho hay: “Tình trạng thiếu hơi nước là một vấn đề hóc búa. Chúng tôi đã gửi khiếu nại lên chính quyền thành phố. Họ vẫn đang tìm giải pháp. Chuyện sản xuất đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều”.

Một nhà máy khác ở thị xã Côn Sơn (tỉnh Giang Tô) cũng gặp phải thay đổi chóng mặt. Nhân viên nhà máy chia sẻ: “Năm ngoái đặc biệt tồi tệ. Chúng tôi gần như không có gì để làm, phải chuyển sang in giấy chứng nhận kết hôn và bằng lái xe để giữ cho dây chuyền sản xuất không bị rỉ sét. Vậy mà khối lượng năm nay lại rất lớn”.

Cũng theo nhân viên này, tiền mà nhà máy in không phải nhân dân tệ, do đó có quá trình sản xuất khác biệt và phải đáp ứng yêu cầu riêng của từng khách hàng.

Chủ tịch CBPMC Lưu Quý Sinh cho biết Trung Quốc chỉ mới nhận in tiền nước ngoài trong thời gian gần đây.

Năm 2013, Bắc Kinh cho ra mắt Một Vành đai Một con đường, sau đó đổi thành Vành đai và con đường, một kế hoạch phát triển toàn cầu thu hút sự tham gia của 60 quốc gia từ châu Á, châu Âu đến châu Phi.

Hai năm sau, nước này bắt đầu in giấy bạc 100 rupee cho Nepal. CBPMC kể từ đó đến nay đã nắm bắt cơ hội mà Vành đai và con đường mang lại, giành được nhiều hợp đồng sản xuất tiền tại một số nước trong đó có Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan, theo Chủ tịch Lưu.

Một nguồn tin làm trong CBPMC lại tiết lộ con số đối tác để Trung Quốc in tiền nhiều hơn những gì Chủ tịch Lưu tuyên bố. Chính quyền các nước đề nghị giữ kín chuyện này, do lo ngại về an ninh quốc gia cũng như không mong muốn tạo ra tranh luận.

CBPMC nắm bắt cơ hội mà Một vành đai, Một con đường mang lại, giành được nhiều hợp đồng sản xuất tiền tại một số nước - Ảnh: SCMP

Giáo sư Hồ Tinh Đấu thuộc đại học Công nghệ Bắc Kinh nhận định: “Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua vài thay đổi sâu sắc. Trung Quốc khi ngày càng lớn mạnh sẽ thách thức hệ giá trị do phương Tây thiết lập hiện tại. In tiền cho nước ngoài là một bước đi quan trọng. Tiền tệ là biểu tượng cho chủ quyền quốc gia. Việc làm ăn này giúp xây dựng niềm tin, thậm chí là tạo ra liên minh tiền tệ”.

Thị trường in tiền quốc tế vốn bị chi phối bởi công ty phương Tây trong hơn một thập kỷ. Tiêu biểu có công ty De La Rue (Anh) có hơn 140 khách hàng, Giesecke & Devrient (Đức) với 60 khách và Crane Currency, doanh nghiệp Mỹ có 200 “tuổi đời”.

Rủi ro an ninh chính là hạn chế chính khi để nước ngoài in tiền. Bảy năm trước, chính quyền Luân Đôn cho tịch thu số tiền dinar Lybia trị giá gần 1,5 tỉ USD do De La Rua sản xuất. Động thái này gây ra tình trạng thiếu tiền mặt, làm gia tăng sức ép với chính quyền lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có năng lực làm chuyện này, vì độ phức tạp của công nghệ in hiện đại và nhiều tính năng bảo mật của tiền (thay đổi màu sắc, sọc chìm) đòi hỏi nhiều chi phí.

Các nguồn tin đánh giá Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn khi muốn cạnh tranh với phương Tây. Theo nhân viên của nhà máy in tiền Côn Sơn: “Giữa chúng tôi với phương Tây vẫn còn một khoảng cách lớn về công nghệ. Cần có nhân lực trẻ mới có thể san bằng khoảng cách này. Hiện tại những tiến sĩ dưới 40 tuổi của nhà máy chúng tôi đều đã rời khỏi”.

“Và chúng tôi là doanh nghiệp quốc doanh. Chúng tôi bị tê liệt do hoạt động kém hiệu quả hơn công ty tư nhân”, nhân viên này cho biết.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-thong-qua-bri-gianh-hop-dong-in-tien-cho-nuoc-ngoai-94505.html