Tranh cãi nảy lửa Mỹ-Trung: Bất đồng khó thu hẹp

Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi hành vi nếu muốn thiết lập lại các mối quan hệ với Mỹ, trong khi Trung Quốc tuyên bố Mỹ đầy 'ảo tưởng' nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp.

Những chỉ trích chính sách công khai giữa Mỹ và Trung Quốc tại cuộc gặp cấp cao đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy những bất đồng sâu sắc khó thu hẹp giữa hai cường quốc này.

Từ trái qua phải, hàng trên: Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì; hàng dưới: Ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị Ảnh. Ảnh: Reuters.

Từ trái qua phải, hàng trên: Ông Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì; hàng dưới: Ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị Ảnh. Ảnh: Reuters.

Hành động của Trung Quốc "đe dọa trật tự dựa trên luật lệ duy trì sự ổn định toàn cầu". Đây là khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi khai mạc cuộc họp kéo dài hai ngày ở Anchorage. Như tuyên bố trước thềm cuộc gặp, phía Mỹ không ngại đề cập những vấn đề được đánh giá là nhạy cảm và gai góc giữa hai bên như vấn đề Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng, sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc đối với các đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Tôi đã nói rằng mối quan hệ của của Mỹ với Trung Quốc sẽ cạnh tranh ở lĩnh vực cần có, hợp tác ở lĩnh vực có thể và đối đầu khi cần thiết. Mục đích của Mỹ là đề cập thẳng thắn về mối quan tâm cũng như các ưu tiên của Mỹ, với mục tiêu là hướng tới một mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các quốc gia trong tương lai”.

Trung Quốc cũng tỏ ra mạnh mẽ và quyết liệt trong phản ứng của mình. Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì khẳng định, chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế.

"Điều quan trọng là Mỹ cần phải thay đổi hình ảnh của mình và dừng áp đặt lên các quốc gia khác. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết trước sự can thiệp đó và sẽ có những hành động cứng rắn để đáp trả", ông Dương Khiết Trì nói.

Trước thềm cuộc gặp này, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được. Thậm chí, theo lời một số quan chức cấp cao Mỹ, hai bên có thể không ra tuyên bố chung hoặc thông báo lớn nào sau cuộc gặp. Phía Trung Quốc cũng khẳng định không mong đợi vòng đối thoại lần này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai bên.

Tuy vậy xét cho cùng chính quyền của Tổng thống Joe Bien khó có thể chỉ đơn giản cách tiếp cận kiềm chế và không hợp tác với Trung Quốc như chính quyền người tiềm nhiệm. Nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều so với trước đây về quy mô, sức mạnh và tiềm năng tăng trưởng. Nếu Mỹ kiên quyết kiềm chế Trung Quốc, điều đó gây tổn hại cho lợi ích của chính mình, mà nhiều đồng minh của Mỹ có thể sẽ không nhất trí. Trong khi đó, Trung Quốc thời gian qua liên tiếp đưa ra các tuyên bố mong muốn đối thoại và hợp tác với Mỹ cùng có lợi để đưa mối quan hệ song phương đi đúng hướng.

Vì vậy, bên cạnh những vấn đề kiên quyết không thỏa hiệp, hai bên cũng đang cố gắng tìm kiếm các lĩnh vực có thể thúc đẩy hợp tác như đẩy lùi đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đối khí hậu và khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn giữa hai nước. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định, Mỹ không muốn "xung đột" nhưng " hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt”. Trong khi phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ "từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh" và khẳng định không muốn đối đầu, xung đột.

Rõ ràng kỳ vọng là không nhiều, nhưng cuộc gặp cấp cao đầu tiên Mỹ- Trung có thể tạo tiền đề cho các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo, nhằm cài đặt lại quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn rơi xuống mức thấp nhất dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump./.

Phạm Hà/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tranh-cai-nay-lua-my-trung-bat-dong-kho-thu-hep-844330.vov