Trung Quốc thí điểm 'làng kỹ thuật số' phát triển vùng nông thôn

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc ban hành thông tư về việc thực hiện dự án thí điểm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số ở khu vực làng quê nhằm đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa nông thôn.

Thiết bị không người lái tham gia hoạt động sản xuất tại huyện Gucheng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) tháng 4/2019. Ảnh: THX

Thiết bị không người lái tham gia hoạt động sản xuất tại huyện Gucheng, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) tháng 4/2019. Ảnh: THX

Theo hãng thông tấn Tân Hoa, quá trình thực hiện thông tư này có sự tham gia của 7 đơn vị, trong đó có Cục Quản lý Không gian Mạng, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và Ủy ban Cải cách Phát triển Quốc gia.

Dự án thí điểm bao gồm kế hoạch phát triển và thiết kế “các làng kỹ thuật số’, cải thiện cơ sở hạ tầng thông tin thế hệ mới tại các làng, phát triển những mô hình mới cho kinh tế kỹ thuật số tại vùng quê… Kế hoạch của dự án bao gồm việc phủ sóng Internet 4G trên 98% các làng hành chính trên toàn quốc.

Dự án thí điểm được cho là sẽ rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật số giữa đô thị và nông thôn, cũng như phát triển nền kinh tế điện tử tại các làng thí điểm cho đến cuối năm 2021.

Theo kế hoạch hiện đại hóa vùng nông thôn được công bố vào giữa năm 2019, Chính phủ Trung Quốc cam kết đến năm 2035 phải đảm bảo người dân tại khu vực thành thị và nông thông đều được hưởng các dịch vụ công như nhau. Đến giữa thế kỷ 21, các làng kỹ thuật số sẽ được xây dựng toàn bộ trên khắp cả nước.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng IT, nâng cấp cơ sở Internet và dịch vụ thông tin tại vùng quê.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số, chính quyền địa phương cần áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển nền tảng thương mại điện tử đối với hoạt động mua bán nông sản.

Làn gió mới từ công nghệ số

Hai năm trước, ông Liu Jinqing- một nông dân sinh sống tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) – đã rất kinh ngạc khi thấy 350 kg tấn khoai tây sấy khô nhà sản xuất đã bán hết sạch chỉ sau vài ngày rao mạng.

Ông Liu quyết định tập trung vào công việc kinh doanh khoai tây. Năm 2017, ông sản xuất được 2.400 kg khoai tây sấy, kiếm được gần 50.000 NDT (khoảng 165 triệu đồng) – một số tiền lớn so với người dân sống tại khu làng hẻo lánh trên núi như nhà ông Liu. Thương mại điện tử đã giúp những người nông dân nghèo bán đặc sản quê họ và cải thiện đời sống.

Ông Chen Cuihua – người đứng đầu một hợp tác xã sản xuất tại huyện Pucheng (Phúc Kiến) cho biết sản lượng hàng năm của họ tăng từ 30 tấn lên trên 100 tấn sau khi mở cửa hàng trực tuyến.

Theo thống kê từ Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2017, trên 9,8 triệu cửa hàng trực tuyến đã được mở tại các làng quê nước này, tạo ra hơn 28 triệu việc làm cho người dân địa phương.
Không chỉ đem lại lợi nhuận cho hàng triệu nông dân Trung Quốc, công nghệ kỹ thuật số còn thay đổi lối sống truyền thống tại các làng.

Ở làng Dengguang (Phúc Kiến), cụ ông Huang Jinguo 68 tuổi sống một mình trong lều song không bao giờ ông lo bị trộm hay đau ốm.

“Nhà của ông ấy lắp camera kết nối với hệ thống giám sát của làng. Chính vì vậy, ông ấy có thể gọi báo và chúng tôi sẽ giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp’, quan chức làng ông Huang Xiaolian cho hay.
Không chỉ thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn, công nghệ kỹ thuật số cũng khuyến khích lao động di cư lên thành phố kiếm việc quay về làng.

Anh Zeng Wei, 32 tuổi, từ Giang Tây chuyển đến làng Longtan, Phúc Kiến để mở một hiệu sách và quán trà tại đây. "Nhờ có Internet, thương mại điện tử và cơ sở hạ tầng tốt hơn, cuộc sống tại vùng quê không khác nhiều so với ở thành phố”, anh Zeng cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-thi-diem-lang-ky-thuat-so-phat-trien-vung-nong-thon-20200721163509759.htm