Trung Quốc thể hiện ưu thế trong cuộc đua công nghệ robot

Một cậu bé đang ngắm những con robot tí hon đua tài

Robot có thể chẩn đoán bệnh tật, chơi cầu lông và làm các khán giả choáng ngợp với kĩ năng âm nhạc bậc thầy là một số máy móc mà Trung Quốc hy vọng sẽ tạo nên cách mạng hóa nền kinh tế quốc gia. Chúng được trưng bày tại 1 cuộc triển lãm ở Bắc Kinh, cung cấp cho du khách tầm nhìn về 1 tương lai tự động hóa hoàn toàn.

Trung Quốc thực sự nghiêm túc muốn cải tổ nền kinh tế bằng làn sóng robot. Sản xuất giá rẻ đã đẩy nền kinh tế của Trung Quốc lên đứng thứ nhì thế giới chỉ trong vài thập kỷ.

Tuy nhiên, sự già hóa dân số đang khiến quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công và đồng nghĩa với nó là chi phí lao động gia tăng khi trở nên giàu có hơn.

Phát triển máy móc tự động trở thành lối thoát của vấn đề đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình, người trong năm 2014 đã kêu gọi 1 cuộc “cách mạng robot”. Và tại buổi triển lãm robot, 1 loạt máy móc được giới thiệu đã chứng minh cách mà công nghệ sẽ thay thế nhân công trong tương lai.

Mục tiêu của Trung Quốc trong năm 2020 là tăng sản lượng robot công nghiệp bán trong nước làm bởi các công ty nội địa từ 27% trong hiện tại lên tới 50% và 70% cho năm 2025.

Tuy nhiên, động thái này cần có 1 sự cân bằng tinh tế từ các nhà hoạch định chính sách trước tiềm năng gia tăng tỉ lệ mất việc làm. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cho biết tự động hóa có thể đe dọa tới 77% công ăn việc làm trong thị trường lao động Trung Quốc hiện tại. Tuy nhiên, bước tiến lớn về máy móc của Trung Quốc đã được thực hiện.

Trung Quốc hiện nắm giữ thị trường robot công nghiệp số 1 thế giới với hơn 141.000 đơn vị bán ra trong năm ngoái, đáp ứng 1/3 tổng nhu cầu trên thế giới, theo báo cáo của Liên đoàn Robot quốc tế - tổ chức dự đoán nhu cầu robot sẽ tăng thêm 20% mỗi năm cho tới năm 2020.

Karel Eloot, chuyên gia đến từ Công ty tư vấn McKinsey cho biết: “Trung Quốc có tiềm năng nâng cấp tự động hóa công nghiệp và máy móc hóa công nghiệp lớn”. Ông ghi nhận rằng, Trung Quốc vẫn còn nhiều chỗ để tăng trưởng khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh như Nhật Bản và Đức - các quốc gia có nhà máy với cấp độ robot hóa gấp 4 lần so với đất nước đông dân nhất thế giới.

Bên ngoài các nhà máy Trung Quốc, robot cũng dần trở nên hiện hữu hơn với nhiều đơn vị được triển khai ở nhà hàng, ngân hàng và dịch vụ bưu kiện.

Theo Lê Hà - AP, Japantoday

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-the-hien-uu-the-trong-cuoc-dua-cong-nghe-robot-3946156-b.html