Trung Quốc tham vọng tạo kỳ tích với xe tự lái
Sau khi vượt lên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xe điện, Trung Quốc nỗ lực để lặp lại kỳ tích với xe thông minh, tự động lái.
Tạo điều kiện phát triển xe tự lái
Theo báo Wall Street Journal, thống trị công nghệ hỗ trợ lái và xa hơn là tự lái rất quan trọng với Trung Quốc, bởi đây là điều kiện tiên quyết giúp nước này bứt phá, hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc ô tô toàn cầu, thách thức phương Tây và Nhật Bản, Trung Quốc.
Vì vậy, Trung Quốc đã và đang tạo nhiều điều kiện cho những công ty ô tô, công nghệ trong nước nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đáng chú ý nhất là việc chính quyền Trung ương và địa phương sớm cấp phép, đưa ra quy định, hướng dẫn, bắt kịp với nhu cầu phát triển ngành công nghiệp xe tự lái.
Chính phủ Trung Quốc thời gian qua liên tục cấp giấy phép cho các công ty thử nghiệm xe không người lái. Đơn cử, đến nay Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã cấp 9 giấy phép thử nghiệm phiên bản tiên tiến của công nghệ lái xe tự động trên đường.
Các công ty nhận được giấy phép bao gồm nhà sản xuất xe điện nổi tiếng như BYD và NIO, với điều kiện những đơn vị này phải hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ như gọi xe, xe tải chở hàng hoặc xe buýt công cộng để thử nghiệm công nghệ trong thực tế.
Gần đây, Trung Quốc tiếp tục công bố danh sách 20 thành phố sẽ thí điểm xây dựng đường thông minh, kết nối, cho phép đường "giao tiếp" với phương tiện tự lái trong thời gian thực và giúp phương tiện đưa ra quyết định tốt hơn.
Riêng thành phố Vũ Hán mới chi 17 tỷ Nhân dân tệ (2,3 tỷ USD) cho một dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó, xây dựng 15.000 điểm đỗ xe thông minh, cải tạo gần 5km đường và xây dựng một khu công nghiệp để sản xuất chip cho xe tự hành.
Sự cởi mở của người tiêu dùng
Ông Michael Dunne, giám đốc điều hành một công ty tư vấn ô tô, cho biết chính quyền địa phương rất nỗ lực giúp công ty thử nghiệm công nghệ và hệ sinh thái của Trung Quốc để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa xe tự lái.
Đất nước tỷ dân còn sở hữu một thuận lợi khác là sự cởi mở của người tiêu dùng. Nhiều khảo sát cho thấy đa phần người tiêu dùng am hiểu công nghệ của Trung Quốc, không ít người trong số họ mới lái xe, dễ chấp nhận sử dụng xe công nghệ cao hơn.
Kết quả cuộc khảo sát năm ngoái của Công ty PwC chỉ ra 85% người tiêu dùng Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi ngồi trên xe tự lái, không cần con người tham gia hoặc giám sát, trong khi tỉ lệ này ở người tiêu dùng Mỹ là 39%.
Nhờ đi đầu trong sản xuất xe điện (khoảng một nửa ô tô mới được bán trong nước là xe điện hoặc plug-in hybrid) Trung Quốc càng có thêm lợi thế để phát triển xe không người lái.
Nhiều nhà phân tích trong ngành đánh giá, công nghệ lái xe tiên tiến tiêu thụ điện rất nhiều do hệ thống máy tính phức tạp trên xe phải thực hiện hàng loạt tính toán trong tích tắc. Trong khi xe điện cung cấp nguồn điện ổn định hơn so với pin axit chì trong ô tô chạy bằng xăng.
Phát triển công nghệ tự lái bằng AI
Về phía các công ty Trung Quốc, họ đang tập trung vào công nghệ hỗ trợ người lái sử dụng AI, có thể phản ứng với những tuyến đường mới, tình huống mới thay vì dựa vào bản đồ độ phân giải cao và quy tắc do kỹ sư lập trình trước.
Công nghệ này được gọi là hệ thống đầu cuối, sử dụng một hệ thống AI duy nhất để tiếp thu dữ liệu đầu vào từ hệ thống cảm biến sau đó quyết định cách lái xe thay vì phân chia nhiệm vụ giữa nhiều chương trình riêng biệt.
Hệ thống AI được đào tạo dựa trên dữ liệu như video về ô tô do con người điều khiển, cho phép phương tiện mô phỏng cách con người lái xe.
Về lý thuyết, cách làm đó cho phép hệ thống phản ứng tự nhiên với những con đường và tình huống mới, mặc dù giới chuyên gia trong ngành cho rằng vẫn còn thách thức về an toàn.
Mới đây, hàng loạt hãng xe đưa ra thông báo về công nghệ mới, gợi lại không khí xe điện bùng nổ năm nào.
XPeng, một trong những công ty khởi nghiệp xe điện lớn nhất Trung Quốc, giới thiệu phiên bản xe thông minh từ tháng 5. Theo ông Liyun Li, người đứng đầu trung tâm phát triển công nghệ tự lái của XPeng, hãng này đang chi khoảng 500 triệu USD mỗi năm dành cho nghiên cứu AI và tuyển dụng nhân tài, tương đương khoảng 2/3 ngân sách nghiên cứu và phát triển.
XPeng cho hay, hệ thống của họ được thử nghiệm trên hơn 6 triệu km đường ở Trung Quốc và có thể được sử dụng trên toàn quốc. Bước tiến này ngược lại với chương trình hỗ trợ lái xe trước đây vốn chỉ giới hạn ở một số thành phố được lập trình bản đồ độ phân giải cao. Hơn nữa, một chiếc ô tô mới sở hữu hệ thống này có giá chỉ khoảng 22.000 USD.
BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, đang hợp tác với Huawei, chuẩn bị cho ra mắt xe thể thao đa dụng địa hình đầu tiên sử dụng phần mềm lái xe toàn diện trên, dự kiến trong năm nay.
Nio, một công ty khởi nghiệp xe điện khác, cũng công bố kế hoạch tương tự.
Dù có nhiều cơ hội, nhưng Trung Quốc gặp trở ngại không nhỏ từ sự giám sát và tăng cường biện pháp cạnh tranh từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều tra liệu phương tiện được kết nối có cài phần mềm Trung Quốc để giám sát người lái xe và kết nối mạng có gây rủi ro cho an ninh quốc gia hay không.
Đồng thời, Washington cũng hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến, đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Hiện, Mỹ chưa cấm xuất khẩu dòng chip Orin của Nvidia và một số chip Qualcomm vốn đang được sử dụng rộng rãi trong xe Trung Quốc, nhưng điều đó có thể thay đổi.
Đoán trước tình hình, Trung Quốc cũng đồng thời phát triển ngành công nghiệp chip. Cả XPeng và Nio đều đã thiết kế chip riêng.
Theo công ty nghiên cứu Canalys, trong quý đầu tiên của năm 2024, hơn một nửa ô tô bán ra ở Trung Quốc được trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe cấp 2 và cấp 2+. Công nghệ tự lái cấp độ 2 có thể xử lý việc đánh lái, tăng tốc và phanh trong một số điều kiện nhất định còn người lái vẫn cần sẵn sàng điều khiển phương tiện.