Trung Quốc tham vọng lập khu kinh tế Trái đất-Mặt trăng

Trung Quốc đang cân nhắc phát triển thương mại bên ngoài vũ trụ và hình thành một vùng kinh tế tại không gian cislunar (khoảng không gian nằm giữa Trái đất và Mặt trăng) vào năm 2050, một dự án có thể đem lại 10.000 tỷ USD cho nước này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Bao Weimin, Giám đốc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ (CAST) cho biết, vùng kinh tế mới sẽ phủ kín các khu vực không gian gần Trái đất, Mặt trăng và giữa 2 hành tinh.

Dẫn lời giới chuyên gia trong ngành, nhật báo Khoa học và Kỹ thuật cho biết dự án có thể đem lại 10.000 tỷ USD cho Trung Quốc.

Trung Quốc có thể gặt hái nhiều ích lợi từ vùng không gian Trái đất- Mặt trăng, ví dụ, phát triển du hành không gian hoặc tiến hành các thí nghiệm trên Mặt trăng. Năm 2016, Zhang Yulin, Phó Chỉ huy chương trình Không gian có người lái của Trung Quốc cũng cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch khám phá vùng không gian này.

Tháng 5/2018, Trung Quốc phóng Cầu Ô Thước, vệ tinh chuyển tiếp giúp trao đổi thông tin giữa Trái đất và tàu Hằng Nga 4 đang hoạt động ở nửa tối của Mặt trăng. Hằng Nga 4 là tàu vũ trụ đầu tiên trong lịch sử hạ cánh thuận lợi xuống nơi này. Các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc hy vọng, Ô Thước sẽ trở thành cây cầu kết nối giữa trạm điều khiển trên Trái đất với nửa tối của Mặt trăng.

Trong một báo cáo về sự phát triển không gian giữa Trái đất và Mặt trăng, ông Bao nhấn mạnh lĩnh vực này có tiềm năng kinh tế rất lớn và do đó, Trung Quốc nên nghiên cứu các hệ thống vận tải hàng không vũ trụ đáng tin cậy, chi phí thấp giữa Trái đất và Mặt trăng.

Theo vị quan chức trên, công nghệ cơ bản dự kiến hoàn thành vào năm 2030, trong khi công nghệ vận tải then chốt dự kiến hình thành vào năm 2040. Sau đó 10 năm, Trung Quốc có thể thiết lập thành công khu kinh tế vũ trụ.

Trong một vài năm trở lại đây, Trung Quốc tập trung phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ và nghiên cứu Mặt trăng. Tháng 7 vừa qua, công ty tư nhân i-Space đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đẩy mang theo 2 vệ tinh vào quỹ đạo. Năm ngoái, Trung Quốc phóng tàu thám hiểm Thường Nga 4, đưa xe tự hành đáp xuống vùng tối trên Mặt trăng thành công vào ngày 3/1.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trung-quoc-tham-vong-lap-khu-kinh-te-trai-datmat-trang/379371.vgp