Trung Quốc tạo mặt trận tài chính đối chọi với Mỹ

Trung Quốc vừa khai trương một sàn chứng khoán mới ở Thượng Hải, mang tên STAR Market, vốn được coi là một mặt trận tài chính mới trong cuộc đọ sức với Mỹ.

Sàn chứng khoán STAR Market tại Thượng Hải

Sàn chứng khoán STAR Market tại Thượng Hải

Với nhiệm vụ chính là huy động vốn đầu tư tư nhân nhằm phục vụ chương trình phát triển công nghệ mới nằm trong kế hoạch "Made in China 2025", ngay trong phiên khai mạc, giá trị cổ phiếu của 25 công ty tham gia thị trường được niêm yết trên STAR Market đã lập tức được nhân lên gấp từ 3-5 lần. Đến cuối phiên, STAR Market đã huy động được tới 5,4 tỷ USD, cao hơn 20 % so với mong đợi.

STAR Market không chỉ quy tụ cái tên đã khá quen thuộc trong đó có các công ty bán dẫn Anji Microelectronics Technology, Suzhou Harmontronics Automation Technology chuyên sản xuất đủ loại máy sử dụng trong ngành xây dựng, khai thác quặng mỏ, công nghiệp mà còn là nơi để các công ty khởi nghiệp huy động vốn dù vẫn trong giai đoạn làm ăn thua lỗ. Rộng hơn, STAR Market chính là sân chơi của các hãng trong ngành Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không, không gian, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học...

Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc lại quyết định cho ra đời một sàn chứng khoán mới và đặt địa bàn ở Thượng Hải. Từ năm 2009, Trung Quốc đã có một thị trường chứng khoán mới cũng hoạt động theo mô hình của Nasdaq tại Mỹ dành cho công nghệ cao và tin học. Thị trường đó sử dụng chỉ số ChiNext và có trụ sở được đặt tại Thâm Quyến - nơi được xem là "cái nôi" tin học và công nghệ cao của Trung Quốc, là điểm khởi nghiệp của những con chim đầu đàn như Foxconn hay Huawei. Trong ngày khai trương, chỉ số ChiNext cũng tăng đến mức chóng mặt như tại Thượng Hải vừa qua. Mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh khi đó là tạo điều kiện cho các công ty nhỏ có vốn để phát triển. Tuy nhiên, khi "lên sàn" tìm vốn đầu tư, các đại gia Trung Quốc từ Alibaba đến Baidu hay Tencent, Xiaomi... đã không niêm yết giá tại Thâm Quyến mà đều chọn New York hoặc Hong Kong làm "bãi đáp".

Do đó, giới phân tích cho rằng sở dĩ Bắc Kinh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lập sàn chứng khoán STAR Market tại Thượng Hải là bởi muốn các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc quay về nước này. Nếu Nasdaq của Mỹ dành cho các công ty điện tử và công nghệ của Mỹ cũng như các công ty ngoại quốc thì STAR Market lại nhắm tới các tập đoàn lớn và cả những công ty khởi nghiệp, thậm chí là cả những hãng đang làm ăn thua lỗ. Điều này cho thấy quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc mong muốn Trung Quốc phải có những thị trường tài chính quan trọng bậc nhất. Mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi là trong tương lai, thị trường đó phải mở rộng ảnh hưởng đến toàn châu Á và cho phép Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ngay cả trên phương diện tài chính.

Trên thực tế, ngay từ tháng 11/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch biến Thượng Hải thành "một trung tâm tài chính quốc tế và là bàn đạp cho các phát minh khoa học, công nghệ mới". Do vậy, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang mở rộng cạnh tranh từ lĩnh vực thương mại sang nhiều mặt trận, việc khai trương sàn chứng khoán mới STAR Market càng khẳng định thêm vai trò của Trung Quốc và sự ra đời của STAR Market được tất cả các nhà phân tích xem như một bước ngoặt quan trọng.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành một siêu cường kinh tế hàng đầu vào năm 2050, mong muốn cạnh tranh với Mỹ ngay cả về mặt tài chính - lĩnh vực mà tới nay Mỹ còn đang dẫn đầu khá xa, STAR Market thể hiện tham vọng rất lớn của Trung Quốc nói chung và Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng. Tuy nhiên, có lẽ phải mất một thời gian dài nữa STAR Market của Trung Quốc mới hy vọng bắt kịp Hong Kong hay New York. ChiNext tại Thâm Quyến, cho đến năm 2016 mới chỉ có hơn 300 công ty niêm yết giá. Còn Nasdaq bắt đầu hoạt động năm 1971 và tới nay đã quy tụ hơn 3.200 công ty điện tử và công nghệ cao.

Ngọc Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trung-quoc-tao-mat-tran-tai-chinh-doi-choi-voi-my-109049.html