Trung Quốc tăng trưởng kinh tế thấp nhất 28 năm: Lạc quan!

Một nền kinh tế lớn như Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 là điều không hề đơn giản và mức tăng này vẫn rất cao so với thế giới.

Điều không bình thường

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố, kinh tế Trung Quốc tăng 6,6% trong năm 2018, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tốc độ tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 của kinh tế Trung Quốc là điều dễ hiểu và không phải là thảm họa đối với nền kinh tế nước này.

Nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế Trung Quốc, ông cho biết, một quốc gia có 1,4 tỷ dân, mức sống thấp nhưng có tới mấy chục năm có tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 10%/năm) là một điều phi thường, dù rằng Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường, rất nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế này khác hẳn với quy luật chung của kinh tế thị trường.

"Mô hình quản lý của Trung Quốc là mô hình có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước theo kiểu tập trung, nhưng vẫn có sự phân cấp rộng rãi cho kinh tế địa phương. Vì thế, các địa phương cũng có sự chủ động trong phát triển kinh tế của mình. Có thời gian nợ vay của địa phương rất lớn, tạo thành những mối nguy tiềm ẩn của kinh tế Trung Quốc. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc vẫn xử lý được bằng những biện pháp cũng... khác thường so với thế giới bằng vai trò và bàn tay của Nhà nước.

Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cũng tồn tại có nhiều vấn đề: họ lấy tăng trưởng tín dụng làm động lực để tăng trưởng kinh tế. Nợ vay/GDP của Trung Quốc cực kỳ lớn (khoảng 240%/GDP), khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại, nếu Trung Quốc tiếp tục mô hình đó, sớm muộn kinh tế nước này cũng rơi vào khủng hoảng.

Những cảnh báo ấy đã được đưa ra hơn 20 năm bởi nhiều nhà kinh tế có tiếng, thế nhưng đến giờ kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 28 năm. Ảnh: ABS-CBN

Sau mấy chục năm tăng trưởng cao, Trung Quốc đã đặt ra yêu cầu hạ thấp tốc độ tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì lẽ đó, Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, như tuyên bố của chính giới Trung Quốc rằng kinh tế nước này sẽ "hạ cánh mềm" chứ không phải "hạ cánh cứng". Muốn vậy, Trung Quốc phải giảm dần tốc độ tăng trưởng và đây là xu thế đã kéo dài từ nhiều năm qua.

Riêng đối với năm 2018, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn hẳn so với mấy chục năm qua, một phần nằm trong xu hướng tăng trưởng chậm lại để kinh tế Trung Quốc có thể đang hạ cánh mềm, tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và trào lưu bảo hộ thương mại của một số quốc gia đã tác động đến kinh tế Trung Quốc bởi Bắc Kinh lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng, họ xuất hàng đi khắp thế giới. Hàng hóa không bán được tất nhiên tăng trưởng chậm lại.

Ở một khía cạnh khác, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, dù tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thấp nhất so với gần 30 năm trở lại đây, dù chất lượng tăng trưởng cũng như trình độ tăng trưởng còn hạn chế nhưng với một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức 6,6% vẫn rất cao.

"Trung Quốc đang thay đổi mô hình sản xuất, dần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, quan tấm đến thị trường 1,4 tỷ dân của họ. Đó là con đường đúng. Trước Trung Quốc mở cửa xuất khẩu để thu hút nguồn lực, công nghệ thế giới thì giờ đến lúc họ tự xây dựng thị trường trong nước, sử dụng kinh tế tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng. Hơn nữa, Trung Quốc cũng nhận thấy nhiều nguy hiểm từ mô hình vay nợ để tăng trưởng và dần có sự điều chỉnh.

Đặc biệt Trung Quốc đang thay đổi về chất nền kinh tế bằng cách bắt buộc một loạt ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất có năng suất thấp, chất lượng hàng hóa không cao, gây ô nhiễm môi trường... không được phép tồn tại và họ tuyên bố làm được. Vì thế hàng loạt nhà máy nhiệt điện, dệt, nhuộm, xơ sợi, hóa chất được đẩy sang các nước khác...

Kinh tế Trung Quốc đang thay đổi về chất và khi sự thay đổi cơ cấu kinh tế đang diễn ra, cộng với chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mà Trung Quốc vẫn tăng trưởng được 6,6% thì đó không phải là điều bình thường.

Vì thế, không cần phải lo lắng khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Bản thân Trung Quốc, như đã nói, vẫn đang xử lý các vấn đề của họ theo một cách riêng, đó là sử dụng bàn tay Nhà nước, bằng kế hoạch hóa, bằng quyết tâm và tiềm lực của chính phủ, dù nhiều nhà kinh tế thế giới chỉ trích là phi thị trường", ông Thịnh chỉ rõ.

Kịch bản có thể còn xấu hơn nữa

Dự báo về kinh tế Trung Quốc trong năm 2019, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, sự điều chỉnh của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục và được đẩy mạnh hơn nữa. Thêm vào đó là các vấn đề nội tại về nợ vay, liên quan đến chiến tranh thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc có thể bị thu hẹp ở một số lĩnh vực, ngành nghề nào đó cũng như việc thay đổi cơ cấu sản xuất của nền kinh tế, đặc biệt tỷ giá của đồng nhân dân tệ vẫn còn có biến động lớn.

Chính vì thế, theo vị chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2019 sẽ tiếp tục không cao, có thể chỉ như năm 2018, thậm chí còn thấp hơn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/trung-quoc-tang-truong-kinh-te-thap-nhat-28-nam-lac-quan-3373481/