Trung Quốc tăng trưởng chậm chưa từng thấy

Kể từ năm 1990, Trung Quốc chưa bao giờ có mức tăng trưởng kinh tế thấp như vậy - 6,1%.

Ngày 17/1, Chính quyền Trung Quốc thông báo GDP nước này tăng 6,1% cả năm 2019, thua xa mức 6,6% của năm 2018. Đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990.

Trung Quốc đang tăng trưởng kinh tế chậm nhất từ năm 1990. Ảnh minh họa

Trung Quốc đang tăng trưởng kinh tế chậm nhất từ năm 1990. Ảnh minh họa

Ông Ning Jizhe, quan chức thuộc Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, cho biết động lực tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn ổn định trong năm qua và dự kiến sẽ vẫn duy trì đà này trong năm 2020.

"Tuy nhiên chúng tôi cũng biết rằng kinh tế toàn cầu và tăng trưởng thương mại đang chững lại" - ông Ning Jizhe nói tại cuộc họp báo cho biết.

Vị này nhận định, đã có thêm những nguồn nguy cơ, bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Mức tăng trưởng 6,1% vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Bắc Kinh đặt ra cho năm 2019. Số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, tốc độ tăng trưởng và chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 đều nằm trong mục tiêu đề ra, việc làm ổn định khi cả năm đã tạo thêm 13,5 triệu việc làm mới.

Ngành dịch vụ và bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành chế tạo và lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu đã tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành chế tạo sụt giảm so với năm 2019.

Trong cả năm 2019, Trung Quốc đã đặt mục tiêu cải cách kinh tế được cho là nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những tác động của cuộc chiến thuế quan với Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc.

CNN dẫn lời nhà kinh tế Gao Shanwen của hãng phân tích Essence Securities có trụ sở tại Thâm Quyến cho rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế sụt giảm chưa dừng lại.

Ông Gao dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ không thể vượt quá ngưỡng 5%. Thậm chí Trung Quốc sẽ phải nỗ lực cực lớn để đạt được ngưỡng tăng trưởng 4%.

Cuối tháng 12/2019, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn kêu gọi các quan chức thương mại mở chiến dịch thắt lưng buộc bụng và chuẩn bị cho một năm 2020 đầy khó khăn.

Kỳ thực nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề. Global Times đánh giá, Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nếu họ cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng ở mức 6% vào năm 2020.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ buộc phải tạo ra 11 triệu công việc mới mỗi năm để kiểm soát tình hình việc làm. Giới chức Trung Quốc lo ngại, nếu không đảm bảo được thị trường việc làm, thất nghiệp sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề, bao gồm cả các cuộc biểu tình khó kiểm soát.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4-5% có thể khiến Bắc Kinh thúc đẩy tài chính trong hoạt động công nhiều hơn nữa.

Nhà bình luận chính trị Frank Ching thuộc Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong nhấn mạnh vào câu chuyện thất nghiệp đối với nền kinh tế Trung Quốc: "Năm 2020 sẽ là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với Trung Quốc và thất nghiệp hàng loạt sẽ là vấn đề đáng sợ nhất".

Khu vực tư nhân của Trung Quốc cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến đầu 2019, chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát cho vay để ngăn chặn nợ phình to. Chiến dịch đó khiến các công ty tư nhân không thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết.

Đầu năm 2019, Trung Quốc đã thắt chặt việc cho vay trong nỗ lực khắc phục rủi ro nợ gia tăng. Nhưng điều đó cũng khiến cho các công ty tư nhân khó tiếp cận các khoản vay hơn.

Trong khi đó, các ngân hàng đang cho doanh nghiệp nhà nước vay nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động với hiệu quả kém xa khối tư nhân.

Nhưng việc đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp ổn định thị trường lao động và buộc Trung Quốc duy trì phương pháp duy trì chính sách này.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc liên tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Bắc Kinh bơm hàng chục tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, công bố kế hoạch xây thêm nhiều sân bay và tuyến đường sắt, giảm thuế cho hàng trăm mặt hàng và cam kết mở cửa nhiều ngành trọng yếu cho đầu tư nước ngoài.

Đầu tháng 1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kích thích kinh tế bằng biện pháp giảm dự trữ tiền mặt trong các ngân hàng, giải phóng khoảng 115 tỷ USD để các nhà băng cho vay dài hạn.

Chính quyền Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ khối tư nhân. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết chính phủ đang nghiên cứu cách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có việc yêu cầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất.

Ông cũng kêu gọi các ngân hàng Trung Quốc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay thêm vốn.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/trung-quoc-tang-truong-cham-chua-tung-thay-3395402/