Trung Quốc tăng tốc hỗ trợ chính sách cho năng lượng sạch
Trong vòng chưa đầy một tuần, giới chức trách Trung Quốc công bố một loạt chính sách quan trọng để hỗ trợ chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng.
(KTSG Online) – Trong vòng chưa đầy một tuần, giới chức trách Trung Quốc công bố một loạt chính sách quan trọng để hỗ trợ chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng.
Các chính sách này liên quan đến mục tiêu về lượng phát thải carbon, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo ở các chính quyền cấp tỉnh và thiết lập kế hoạch nhiều năm để nâng cấp lưới điện.
Thiết lập tiêu chuẩn về carbon, tăng tốc nâng cấp lưới điện
Hôm 8-8, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho các thước đo quan trọng ở 70 lĩnh vực bao gồm kiểm kê phát thải carbon, thu giữ và giảm phát thải carbon, lưu trữ năng lượng, tiết kiệm năng lượng… Các tiêu chuẩn này sẽ áp dụng cho các ngành công nghiệp chính bao gồm điện, than, thép, vận tải, vật liệu xây dựng và hóa dầu.
NDRC cũng sẽ phát triển các tiêu chuẩn về dấu ấn carbon của các công nghệ định hướng thương mại như phương tiện năng lượng mới (NEV), quang điện và pin lithium-ion, cũng như các thiết bị điện tử, nhựa và vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, NDRC cho biết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon hàng đầu sử dụng các công nghệ mới nổi như 5G và blockchain để theo dõi, tính toán và phân tích lượng khí thải carbon. Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm củng cố lộ trình đưa phát thải ròng carbon ròng vế zero (Net-Zero) vào năm 2060.
Trước đó, hôm 6-8, NDRC công bố kế hoạch 3 năm (2024-2027) nhằm nâng cấp hệ thống điện trong nỗ lực tăng cường tiêu thụ năng lượng tái tạo và giảm bớt căng thẳng lưới điện. Kế hoạch kêu gọi sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn trong các dự án truyền tải điện đường dài. Đồng thời, kêu gọi thiết lập các tiêu chuẩn cho thế hệ điện than tiếp theo, giảm lượng khí thải từ các nhà máy điện than và trộn than với nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp hơn. Kế hoạch nhằm giúp đất nước hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030.
Xuewan Chen, nhà phân tích chuyển đổi năng lượng của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho biết, kế hoạch này tập trung vào việc xây dựng lưới điện linh hoạt hơn để quản lý tốt hơn quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trung Quốc đang triển khai năng lượng tái tạo với tốc độ chóng mặt. Theo tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), từ tháng 3-2023 đến tháng 3-2024, Trung Quốc lắp đặt năng lượng mặt trời với công suất lớn hơn 3 năm trước đó cộng lại và nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại trong năm 2023. Nước này đang trên đà đạt 1.200 GW công suất điện gió và điện mặt trời vào cuối năm 2024, sớm hơn 6 năm so với mục tiêu của chính phủ.
Sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng vọt, thường gây quá tải cho các lưới điện, vốn được thiết kế để tiếp nhận điện từ các nhà máy đốt than có thể bật và tắt khi cần thiết.
Giờ đây, các công ty điều hành lưới điện của Trung Quốc đang chạy đua nâng cấp hệ thống. Tổng Công ty lưới điện quốc gia Trung Quốc (SGCC), quản lý hơn 80% mạng lưới điện của cả nước, có kế hoạch tăng chi tiêu đầu tư lên mức cao kỷ lục 600 tỉ nhân dân tệ (84 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay. Trong khi đó, Công ty lưới điện miền nam Trung Quốc (CSPG) đặt mục tiêu tăng chi tiêu đầu tư thêm hơn 50% vào năm 2027.
Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã đầu tư 17 tỉ đô la cho các dự án lưới điện, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yêu cầu các tỉnh tăng tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo
Trong một động thái khác, hôm 2-8, NDRC và Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) ban hành hướng dẫn cập nhật yêu cầu về mức sử dụng năng lượng tái tạo tối thiểu áp dụng đối với một số tỉnh trong năm 2024 và 2025.
Các yêu cầu này là một phần trong cơ chế đảm bảo tiêu thụ năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Cơ chế được giới thiệu ra vào năm 2021 như một giải pháp để tăng mức tiêu thụ năng lượng tái tạo. Cơ chế đặt ra hai mục tiêu, gồm một mục tiêu về tổng mức tiêu thụ năng lượng tái tạo và một mục tiêu về tiêu thụ năng lượng tái tạo ngoài thủy điện. Khi được giới thiệu vào năm 2021, cơ chế này đặt ra mục tiêu, đảm bảo 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia vào năm 2030 sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện.
Hướng dẫn mới của NDRC và NEA yêu cầu sáu tỉnh tăng chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo trong năm nay lên hơn tăng lên 6 điểm phần trăm so với năm 2023. Tỉnh Hắc Long Giang có mức tăng cao nhất, với tỷ trọng năng lượng tái tạo phi thủy điện tăng từ 22,7% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2023 lên 30% vào năm 2024. 5 tỉnh khác gồm Hải Nam, Hà Nam, Cát Lâm, Hồ Nam và Cam Túc cũng được yêu cầu tăng tỷ trọng này thêm hơn 6 điểm phần trăm trong năm nay. Thông thường, Bắc Kinh sẽ yêu cầu chính quyền các tỉnh tăng tỷ trọng này thêm 1-2 điểm phần trăm qua mỗi năm.
Theo NEA, trong tháng 6-2024, năng lượng gió và mặt trời chiếm gần 40% tổng công suất phát điện của cả nước và lần đầu tiên vượt qua công suất điện than.
Xem năng lượng sạch là động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Các động thái trên báo hiệu sự thay đổi trong các ưu tiên chính sách năng lượng ở Bắc Kinh. Những lo ngại về nguy cơ thiếu điện, từng khiến Bắc Kinh phải phụ thuộc vào điện than, bắt đầu giảm bớt.
Việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng năng lượng tái tạo có nghĩa là năng lượng sạch đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu năng lượng tăng thêm, cho phép giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nước này hiện xem sản xuất công nghệ sạch và năng lượng sạch là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo phân tích của Carbon Brief, nếu tính cả giá trị sản xuất, lĩnh vực năng lượng sạch đóng góp 11,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,6 nghìn tỉ đô la Mỹ) cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023, tăng 30% so với năm 2022. Do đó, lĩnh vực năng lượng sạch là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế nói chung, chiếm 40% mức tăng trưởng GDP trong năm ngoái.
Sự thay đổi quan điểm đó đã mang lại lợi ích thực tế. Lauri Myllyvirta, học giả cao cấp tại Viện Chính sách xã hội châu Á, ghi nhận lượng phát thải carbon ở Trung Quốc, nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, giảm 1% trong quí 2. Đó là mức giảm phá thải carbon hàng quí đầu tiên kể từ khi kết thúc đại dịch Covid-19.
Cosimo Ries, nhà phân tích tại Công ty tư vấn Trivium China cho biết, lượng phát thải carbon của nước này có thể bắt đầu bước vào thời kỳ suy giảm mang tính cấu trúc trong năm nay, miễn là hoạt động lắp đặt năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng và nhu cầu điện chậm lại. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu về đỉnh phát phải carbon sớm hơn 5 năm so với mục tiêu năm 2030.
Tuy nhiên, thay đổi chính sách dài hạn quan trọng nhất là việc Bắc Kinh điều chỉnh các mục tiêu phát thải carbon. Trong nhiều năm, thước đo khí hậu chính của Trung Quốc là mức tiêu thụ năng lượng hoặc lượng khí thải trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội. Cách tiếp cận đó giúp giảm cường độ carbon trong nền kinh tế, ngay cả khi tổng lượng khí thải tăng vọt.
Hệ thống mới, được công bố vào đầu tháng này, thiết lập lượng khí thải carbon tổng thể như thước đo chính thức bắt đầu từ năm 2026 dù tầm quan trọng vẫn xếp sau thước đo cường độ carbon. Sau năm 2030, tổng lượng phát thải sẽ trở thành mục tiêu chính để giánh giá thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thước đo cường độ carbon không còn được ưu tiên.
“Đó là tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi hệ thống năng lượng của Trung Quốc”, Yuhe Gao, nhà vận động cấp cao của chi nhánh Đông Nam của tổ chức Hòa bình xanh nói.
Theo Bloomberg, Reuters