Trung Quốc tăng nhập xi măng Việt Nam

Trung Quốc, nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới đã đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất xi măng gây ô nhiễm theo chính sách bảo vệ môi trường và tăng nhập từ Việt Nam.

Ngành xi măng Việt Nam phát triển ngược chiều thế giới - Ảnh: Ngọc Thắng

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết: Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xi măng đạt gần 14 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và giá trị thu về tăng 23%. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá: Đây là mức tăng giá trị rất ấn tượng trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng trong nước liên tục bị kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia trong và ngoài khu vực thời gian gần đây.

Năm 2018, xuất khẩu đạt gần 32 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017, giá trị vượt 1 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của xi măng Việt Nam, đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn với giá trị 369 triệu USD.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: Việc Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất đối với ngành xi măng Việt Nam là do Chính phủ Trung Quốc đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất xi măng gây ô nhiễm theo chính sách bảo vệ môi trường. Mặt khác, do giá xi măng của Trung Quốc rẻ, nên khi nước này ngừng xuất khẩu sẽ đẩy giá thị trường thế giới tăng, kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và lượng xuất khẩu tăng vọt.

Nước nhập khẩu xi măng lớn thứ 2 là Philippines 6,6 triệu tấn đạt kim ngạch 310 triệu USD. Đứng ở vị trí thứ 3 là Bangladesh 6,46 triệu tấn, kim ngạch 216 triệu USD. Trong 3 thị trường chính nêu trên, giá xuất bình quân vào Bangladesh là 33,4 USD/tấn; Trung Quốc 37,3 USD/tấn; Philippines đạt 46 USD/tấn. Theo kế hoạch, năm 2019, ngành xi măng Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn.

Đầu năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào nước này. Kết quả điều tra giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy lượng xi măng nhập khẩu vào nước này tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Trong giai đoạn trên, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất. DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 210 peso/tấn, tương đương khoảng 4 USD/tấn.

Việc xuất khẩu tăng đã kéo giá thành sản phẩm xi măng ở thị trường nội địa tăng theo. Cụ thể từ ngày 1.6, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai điều chỉnh tăng giá bán 30.000 đồng/tấn (bao gồm VAT) đối với các chủng loại xi măng PCB40, loại xi măng bao PCB40 đóng vỏ bao PP và loại xi măng bao PCB40 đóng vỏ bao Sling. Hay như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá bán 29.700 đồng/tấn (bao gồm VAT) áp dụng từ ngày 16.6. cho sản phẩm Xi măng Sông Gianh PCB40 và PCB30.

Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trung-quoc-tang-nhap-xi-mang-viet-nam-1092333.html