Trung Quốc tăng cường kiểm soát đất hiếm

Trung Quốc sẽ tăng cường các quy định đối với ngành công nghiệp kim loại đất hiếm, từ khâu khai thác đến xuất khẩu, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin thông báo hôm 15/1. Bước đi này diễn ra khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Một khu mỏ khai thác đất hiếm ở vùng Nội Mông, Trung Quốc Ảnh: Reuters

Một khu mỏ khai thác đất hiếm ở vùng Nội Mông, Trung Quốc Ảnh: Reuters

Các quy định hiện nay tập trung vào khâu sản xuất, như đào mỏ, luyện hoặc tách đất hiếm, còn dự thảo quy định mới sẽ quản lý “toàn bộ chuỗi công nghiệp” quặng quý hiếm, bao gồm các khâu tinh luyện, vận chuyển và tất cả các khâu dẫn đến xuất khẩu.

Quy định mới yêu cầu các công ty phải tuân thủ những luật và quy định về kiểm soát xuất khẩu và nhập khẩu quặng đất hiếm. Giới phân tích cho rằng điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng cường kiểm soát dòng chảy của các nguyên liệu chiến lược, đóng vai trò không thể thiếu trong các ngành công nghệ cao khắp thế giới.

Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng lượng đất hiếm được khai thác trên toàn cầu. Năm 2020, lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Trong khi Mỹ đang tiến tới xây dựng một mạng lưới đối tác để đối phó với Trung Quốc trên mặt trận công nghệ và các lĩnh vực khác, “đang có những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng luật mới này để đáp trả”, lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài ở Nhật Bản nói với Nikkei Asia.

Dự thảo quy định mới cấm hoạt động mua và bán các sản phẩm đất hiếm được khai thác và chiết tách trái phép. Một quan chức trong ngành công nghiệp này nói rằng điều này sẽ giúp ổn định thị trường, bảo vệ an ninh công nghiệp và môi trường, Xinhua đưa tin.

Một hệ thống theo dõi các sản phẩm đất hiếm sẽ được thiết lập để tăng cường “quản lý vòng kín” đối với chuỗi công nghiệp. Tài liệu cũng xác định trách nhiệm quản lý, quy trình phê duyệt dự án và quản lý hạn ngạch.

Đất hiếm là nguyên liệu cần thiết để chế tạo các loại nam châm mạnh dùng cho các loại xe điện và nhiều ứng dụng khác như tên lửa và máy bay. Các công ty Nhật Bản nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất nam châm bán cho khách hàng ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Trung Quốc coi đất hiếm là một “nguyên liệu chiến lược” có thể tạo lợi thế trong ngoại giao quốc tế. Năm 2010, nước này tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng vì tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Khi căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, Trung Quốc dọa dừng xuất khẩu đất hiếm vào năm 2019. Năm ngoái, Bắc Kinh đưa ra đe dọa tương tự khi nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin ký hợp đồng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho Đài Loan.

Mỹ đang phụ thuộc vào khoảng 80% đất hiếm mua từ Trung Quốc, còn Úc đang đi đầu trong sáng kiến tạo ra một chuỗi cung ứng thay thế, dù gặp phải những thách thức về chất lượng quặng và chi phí. Nhật Bản cũng đang tìm kiếm nguồn cung đất hiếm thay thế, với mục tiêu giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc từ 58% hiện nay xuống 50% hoặc thấp hơn vào năm 2025.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-tang-cuong-kiem-soat-dat-hiem-1780247.tpo