Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam không phải là vốn vay ODA

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Chính phủ xem xét và cân nhắc trong việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những khoản vay kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu… để triển khai dự án.'

Việc quản lý vay nợ từ nguồn vốn vay Chính phủ Trung Quốc là chặt chẽ. Nguồn: Internet

Việc quản lý vay nợ từ nguồn vốn vay Chính phủ Trung Quốc là chặt chẽ. Nguồn: Internet

Theo cử tri TP. Hải Phòng, “Những năm qua, phần lớn các dự án sử dụng vốn vay ODA từ Trung Quốc rơi vào tình trạng đình trệ, chậm tiến độ, đội vốn, thiết bị không đảm bảo chất lượng, làm tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, điều kiện vay vốn ODA từ Trung Quốc kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam, các khoản vay ODA đều có điều kiện chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc khiến chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh. Cử tri TP. Hải Phòng đề nghị Chính phủ cần xem xét và cân nhắc trong việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những khoản vay kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu…để triển khai dự án.”

Về vấn đề này Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ Trung Quốc tài trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản vay ưu đãi, không phải vốn vay ODA, các khoản vay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: đường sắt, nhiệt điện, sản xuất công nghiệp…

Đánh giá về nguồn vốn vay Trung Quốc, so với các nguồn vay nước ngoài khác của Chính phủ, nguồn vốn vay Trung Quốc có điều kiện vay ràng buộc, mức độ ưu đãi không cao, dẫn đến chi phí huy động vốn cao. Phương thức mua sắm các khoản vay Trung Quốc là lựa chọn nhà thầu trong số danh sách nhà thầu phía Trung Quốc đưa ra, thực chất là chỉ định thầu, điều này làm giảm tính cạnh tranh.

Ngoài ra, các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng của phía Việt Nam và Trung Quốc còn có mâu thuẫn, trong khi đó, thái độ của nhà thầu với chủ đầu tư còn chưa hợp tác nên việc giải quyết các vấn đề phát sinh còn chưa tốt. Mặt khác, hầu hết hàng hóa, thiết bị phải mua sắm từ Trung Quốc. Điều này làm làm tăng tính phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.

Các khoản vay Trung Quốc đều được ký trước năm 2012. Với các điều chỉnh kịp thời trong các chính sách hợp tác với Trung Quốc, kể từ năm 2013 đến nay, không có khoản vay được ký kết cho dự án mới ngoài khoản vay ký năm 2016 là khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, do dự án đang được triển khai dở dang trên địa bàn Hà Nội, cần nguồn vốn để hoàn thành.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2012 trở về trước, trong các chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao chủ trì thường bao gồm một danh mục dự án do hai bên đề xuất hợp tác. Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn Trung Quốc, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh trong chính sách hợp tác và vay nợ với Trung Quốc. Cụ thể là:

Thứ nhất, chỉ đưa vào danh sách dự án hợp tác những dự án đã được phê duyệt khả thi và phê duyệt danh mục đầu tư từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo đúng quy định tại các Nghị định về quản lý vốn vay ODA và vay nước ngoài của Chính phủ. Việc xây dựng các Đề án, chính sách, chiến lược hợp tác với Trung Quốc phải tính đến khả năng thực hiện, khả năng bố trí nguồn lực theo thực tế.

Thứ hai, lựa chọn các dự án đầu tư từ nguồn vốn của Trung Quốc phải là dự án có khả năng hoàn vốn trực tiếp, có dòng tiền đủ đảm bảo bù đắp chi phí và có khả năng trả nợ.

Thứ ba, việc đàm phán hiệp định vay ưu đãi Chính phủ phải dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó các điều kiện về thời hạn vay, lãi suất vay phải đảm bảo dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ. Trong thời gian tới, cần từng bước trao đổi với phía Trung Quốc để tăng tính cạnh tranh trong các nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn vay nhằm tránh tình trạng kém chất lượng của các nhà thầu Trung Quốc được chỉ định.

Thứ tư, tăng cường cơ chế vay về cho vay lại và nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án trong việc thẩm định dự án, thẩm định công nghệ, thẩm định nhà thầu trước khi ký cam kết vay vốn.

Thứ năm, tăng cường hình thức khu vực tư nhân tự vay tự trả đối với nguồn vốn vay của Trung Quốc và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á để giảm thiểu tác động lên nợ công của Chính phủ.

Thứ sáu, về việc đàm phán, ký kết các Hiệp định khung, Hiệp định vay cụ thể, Bộ Tài chính cũng góp ý kiến với cơ quan chủ trì đàm phán (Trước khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì đàm phán, ký kết Hiệp định khung cho khoản vay) và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc không đưa tên nhà thầu vào các văn kiện ký kết giữa hai Chính phủ nếu như các hợp đồng ký kết với các nhà thầu này chưa được phê duyệt theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, với quan điểm và biện pháp nêu trên, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan và sự chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng việc quản lý vay nợ từ nguồn vốn vay Chính phủ Trung Quốc là chặt chẽ.

Việt Dũng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/trung-quoc-tai-tro-cho-viet-nam-khong-phai-la-von-vay-oda-306824.html