Trung Quốc: Sự tách biệt với thế giới và những 'bước hụt' trong đối ngoại

Cách tiếp cận quyết đoán trong quan hệ quốc tế mà Trung Quốc theo đuổi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã khiến Bắc Kinh tách biệt với thế giới. Thay vào đó, các rào cản và kháng cự mà nền kinh tế lớn thứ hai gặp phải báo hiệu sự cần thiết phải suy nghĩ lại về chính sách đối ngoại của mình.

Ảnh minh họa: Craig Stephens

Sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, ông Tập Cận Bình bắt đầu tập trung quyền lực, trong đó có việc tái hoạch định chính sách đối ngoại.

Năm 2018, Tiểu tổ lãnh đạo Công tác đối ngoại Trung ương đã được nâng cấp thành Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương, do chính ông Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo. Các học giả quốc tế cho rằng, hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc trong thời kỳ sau năm 1992, chính trị gia 67 tuổi này chính là kiến trúc sư cho chính sách đối ngoại của đất nước 1,4 tỷ dân.

Mặc dù các khía cạnh của chính sách đối ngoại mới, quyết đoán hơn mà Bắc Kinh theo đuổi dưới thời ông Tập Cận Bình được cho là vốn có từ những nhiệm kỳ trước, giới quan sát nhận định, nhà lãnh đạo này đã có những đóng góp đáng kể trong việc mở rộng phạm vi toàn cầu của Trung Quốc, điển hình là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng, đầu tư vào hàng chục quốc gia từ Trung và Đông Nam Á đến Mỹ Latinh.

Theo đó, Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, tiến tới mục tiêu quân sự hóa Biển Đông. Bên cạnh đó, chiến thuật của Bắc Kinh đối với Đài Loan trở nên quyết đoán hơn so với những người tiền nhiệm, đặc biệt là sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền.

Ngoài ra, chỉ trong vòng ba năm qua, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có tới hai lần dính vào các cuộc đối đầu và đụng độ tại khu vực lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường triển khai sáng kiến về đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á, đồng thời tiếp tục chứng minh năng lực quân sự ở Biển Đông, chính sách đối ngoại có phần hung hăng này của Trung Quốc được nhìn nhận là không đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia đông dân này trong dài hạn.

Sự quyết đoán của Trung Quốc khiến cho việc cản trở quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong khu vực trở nên phản tác dụng, nhiều khả năng biến thành "chất xúc tác" đưa những nước này xích lại gần nhau hơn.

Thực tế là mối quan hệ chiến lược của "Bộ Tứ" (Quad) giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đã được hồi sinh, cùng với đó là việc Philippines không còn cắt đứt hiệp ước hợp tác quân sự với Mỹ, lấy quân sự hóa Biển Đông làm lý do căn bản.

Không chỉ vậy, đầu tháng 6 vừa qua, chính trị gia từ 12 quốc gia bao gồm Australia, Canada, CH Czech, Đức, Italy, Nhật Bản, Litva, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Anh cùng Nghị viện châu Âu (EP) đã thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, nhằm phối hợp đưa ra một phản ứng quốc tế đối với những thách thức do Bắc Kinh đặt ra.

Không khó để nhận ra, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã phần nào làm giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế vào Trung Quốc. Quan hệ Bắc Kinh-Canberra trở nên căng thẳng khi Thủ tướng Australia Scott Morrison công khai ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona. Trong một động thái nhằm đáp trả, Bắc Kinh đã áp đặt hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu chính của xứ sở kangaroo như thịt bò và lúa mạch, đồng thời cảnh báo sinh viên Trung Quốc không được đến học tập còn người dân Trung Quốc không nên du lịch tại nước này.

Bên cạnh sự bùng phát của virus corona, Trung Quốc cũng vướng vào những cáo buộc kỳ thị và phân biệt chủng tộc đối với người châu Phi ở nước này. Không chỉ các chính trị gia, chính phủ và cả cá nhân đang đưa ra những đánh giá về Trung Quốc và sự đáng tin cậy của quốc gia này.

Bất chấp "lời ra tiếng vào" của cộng đồng quốc tế, các nhà ngoại giao chiến lang của Trung Quốc được cho là đang bác bỏ tất cả những lập luận này và cố gắng tuyên truyền nhằm tạo dựng hình ảnh cho Bắc Kinh. Dù vậy, những hành động này chỉ cho thấy thêm với thế giới rằng, mức độ tin cậy của thế giới đối với Trung Quốc đang ngày càng bị lung lay.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình chưa thể đạt được kết quả như kỳ vọng. Do đó, Bắc Kinh cần có một cách tiếp cận mới nhằm tránh cuộc chiến tranh lạnh mới với Washington.

Huy Sơn

(theo SCMP)

Huy Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-su-tach-biet-voi-the-gioi-va-nhung-buoc-hut-trong-doi-ngoai-117835.html