Trung Quốc sợ nước ngoài nhòm ngó công nghệ J-20

Để tránh sự nhòm ngó từ bên ngoài cũng như tránh bị ăn cắp công nghệ trên J-20, Trung Quốc tuyên bố không xuất khẩu máy bay này.

Trang Strategy Page có trụ sở tại Washington dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, các máy bay tiêm kích tàng hình mới J-20 của nước này có thể được bố trí tại những địa điểm hẻo lánh hơn ở miền Tây nước này để tránh những con mắt tò mò của truyền thông và quân đội nước ngoài.

Và để chắc chắn công nghệ tối tân trên chiến đấu cơ tàng hình này lọt vào tay nước ngoài, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố không xuất khẩu J-20. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu tiêm kích J-20 do một nguyên nhân duy nhất: Tương lai, J-20 sẽ là xương sống của không quân Trung Quốc, và Bắc Kinh sợ rằng các thế lực thù địch sẽ mua J-20 và sao chép công nghệ trên dòng máy bay này.

Việc chiến đấu cơ tàng hình J-20 không được cho phép xuất khẩu có thể khiến đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo mẫu máy bay này là Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô thất vọng, do công ty này đã từng được phép xuất khẩu các chiến đấu cơ J-10 và JF-17. Tuy đã sản xuất khá nhiều nguyên mẫu nhưng đến nay tính năng tàng hình của tiêm kích J-20 vẫn là một ẩn số.

Và chính việc Trung Quốc không rõ ràng về khả năng của J-20 đã khiến nhiều người chú ý. Chưa kể đến việc vừa qua, đơn vị chế tạo J-20 còn tuyên bố họ đã thay đổi bộ cảm biến tốc độ, khiến máy bay đạt được vận tốc cao hơn, linh hoạt hơn, và đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Đồng thời, tuyên bố không xuất khẩu J-20 của Bắc Kinh càng khiến thế giới tò mò hơn, bởi chưa biết có công nghệ nào được ẩn chứa trong đó khiến Bắc Kinh phải giấu giếm đến như vậy.

Và thế lực thù địch của Bắc Kinh sẽ là ai? Trong bối cảnh Mỹ đã đi trước Trung Quốc rất xa về công nghệ vũ khí hiện đại, và họ sẵn sàng chia sẻ cho đồng minh Nhật Bản nếu cảm thấy điều đó là cần thiết. Chiêu lăng-xê gà cưng J-20 này của Bắc Kinh đã tỏ ra hài hước và quá lố trong mắt những cường quốc quân sự khác.

Trong khi đó, J-20 liên tiếp bộc lộ những yếu điểm của mình. Gần đây nhất, tại một triển lãm hàng không được tổ chức cuối năm 2014, J-20 trong khi bay biểu diễn đã liên tục nhả khói đen ra từ đuôi thoát nhiên liệu và Bắc Kinh vẫn cho rằng phiên bản này là hoàn hảo.

Một bất lợi khác cho J-20 là hiện tại Trung Quốc vẫn chưa thể tự chế tạo được một động cơ thích hợp cho mẫu máy bay này. Sức mạnh của động cơ J-20 sử dụng cũng chỉ tương đương F-15C. Động cơ của J-20 có thể đạt được lực đẩy tương đương F-22 khi thùng xăng phụ được bật, tuy nhiên, thùng nhiên liệu này chỉ có thể được sử dụng một ít phút sau khi máy bay đã tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu.

Trung Quốc đã phát triển động cơ WS-15 trong 2 thập kỉ qua, tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn khi nào động cơ này sẵn sàng triển khai trên các máy bay J-20. Mặt khác, một trong những chiêu lăng-xê vũ khí nội địa đầy thú vị của các chuyên gia quân sự Trung Quốc đó là mang các phiên bản vũ khí mà Bắc Kinh đang sở hữu để so sánh với các phiên bản vũ khí của Mỹ, Nga. Và kết quả đều luôn là tương đương hoặc thậm chí là vượt trội.

Song Zhongping, một cựu sĩ quan trong lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc khi trả lời đài Phượng Hoàng hồi tháng 12/2014, đã cho rằng: "Mỹ không xuất khẩu F-22, và Trung Quốc cũng cần phải làm thế với J-20, bởi nó là xương sống của không lực Trung Quốc tới đây. Nếu có một ngày, Mỹ xuất khẩu F-22, Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy."

Thậm chí, Song Zhongping còn cho rằng Trung Quốc nên xuất khẩu FC-31 (J-31) như cách Mỹ xuất khẩu F-35 để những người bạn của Bắc Kinh có cơ hội được tiếp cận với những vũ khí hiện đại, hiệu quả.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/trung-quoc-so-nuoc-ngoai-nhom-ngo-cong-nghe-j-20-3347640/