Trung Quốc siết chặt quản lý với các tập đoàn công nghệ nội địa

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các đại gia công nghệ bao gồm cả những mức phạt lớn nhất từ trước đến nay. Đây được cho là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán nước này chao đảo.

Thắt chặt kiểm soát

Từng được ca ngợi là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng cho nền kinh tế và biểu tượng cho tiềm lực công nghệ của Trung Quốc, các đại gia công nghệ như Alibaba (của tỷ phú Jack Ma), Tencent (công ty sở hữu ứng dụng Wechat)… hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Chính phủ.

Các công ty này được cho là đã được hưởng lợi khi Trung Quốc cố gắng vượt mặt Mỹ để trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, do vậy đã để ngành Internet tự do phát triển. Hiện nay, ảnh hưởng quá lớn của các công ty này không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà bao gồm mọi dịch vụ từ nhắn tin, đặt xe, thanh toán, tín dụng được cho là nguyên nhân dẫn đến những lo ngại từ phía Chính phủ.

Đề cao việc bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự ổn định tài chính bằng cách giảm thiểu rủi ro là lý do chính khiến Trung Quốc siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp này.

Tháng 3/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp các hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn việc huy động vốn thiếu kiểm soát. Cũng trong tháng 3/2021, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã phạt 12 công ty liên quan đến 10 thỏa thuận vi phạm quy định chống độc quyền, với mức phạt 500.000 CNY (76.300 USD) mỗi công ty. Trong số này có nhiều tên tuổi lớn như Baidu, Tencent, DidiChuxing, SoftBank và một doanh nghiệp do ByteDance hậu thuẫn.

Chính phủ Trung Quốc đã buộc Alibaba phải tái cơ cấu lại hoạt động. Ảnh: TL

Ngày 10/4/2021, SAMR đã công bố mức án phạt kỷ lục 18,23 tỉ CNY (khoảng 2,8 tỉ USD) đối với Alibaba vì cáo buộc độc quyền. SAMR cáo buộc Alibaba đã có nhiều động thái lạm dụng vị thế thống trị thị trường từ năm 2015, trong đó bao gồm chính sách buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai. Cáo buộc cho rằng chính sách này, cùng nhiều động thái khác, đã giúp Alibaba củng cố vị thế trên thị trường và giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trước các đối thủ.

Trước đó vào tháng 12/2020, sau khi đình chỉ vụ IPO của Công ty công nghệ tài chính Ant Group, Chính phủ cũng buộc Alibaba phải tái cơ cấu lại hoạt động của Ant và từ bỏ nhiều tài sản trong mảng kinh doanh truyền thông.

Án phạt kỷ lục dành cho Alibaba chỉ là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các hành động cứng rắn mà Chính phủ triển khai, nhắm vào các nền tảng công nghệ lớn tại nước này những tháng gần đây, đặc biệt là trong mảng tài chính.

Theo Bloomberg, công ty tiếp theo rơi vào tầm ngắm của Chính phủ Trung Quốc có thể là Tencent, đế chế tài chính trị giá 120 tỉ USD. Theo đó, Tencentcó thể phải cơ cấu lại bộ phận công nghệ tài chính đầy tiềm năng của mình, giống như yêu cầu đối với Ant Group của Alibaba.

Doanh nghiệp và thị trường chứng khoán chao đảo

Việc thắt chặt kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc bao gồm các quy định cấm các công ty tham gia nhiều hoạt động, buộc các thương gia phải lựa chọn giữa những nhà cung cấp internet hàng đầu của đất nước. SAMR cho biết, các hướng dẫn mới nhất sẽ ngăn chặn các hành vi độc quyền trong nền kinh tế nền tảng và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Các quy định trên đã gây ra nhiều áp lực mới lên những công ty cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm nhiều công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như Taobao và Tmall (các công ty con của Alibaba) hay JD.com. Ngoài ra, các dịch vụ tài chính khác cũng bị ảnh hưởng như Alipay của Ant hoặc WeChatPay của Tencent Holdings.

Alibaba, Pinduoduo và Tencenthiện phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm mạnh trong những tuần gần đây. Ant Group sau thương vụ IPO bất thành hồi tháng 12 năm ngoái khiến cổ phiếu Alibaba tại phiên ngày 24/12/2020 ngay lập tức giảm 13%, mức giảm kỷ lục trong một ngày. Hiện Alibaba được định giá khoảng 200 tỉ USD, giảm 100 tỉ USD so với hồi tháng 10/2020.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Xiaomi, một nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn, đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm. Bilibili - dịch vụ phát video trực tuyến với 200 triệu người dùng, đã giảm 6% trong ngày đầu tiên giao dịch tại Hồng Kông hôm 29/3. Hay Baidu - công ty khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm cũng bị giảm một nửa số lợi nhuận trong vòng chưa đầy hai tháng.

Theo The Economist, sự đi xuống của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã khiến 700 tỉ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mất đi kể từ giữa tháng 2/2021. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong ngắn hạn nếu các biện pháp kiểm soát cứng rắn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định những chính sách của Chính phủ sẽ không gây nguy hiểm đến triển vọng trong dài hạn của các công ty công nghệ lớn./.

Hải Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2021-04-28/trung-quoc-siet-chat-quan-ly-voi-cac-tap-doan-cong-nghe-noi-dia-103127.aspx