Trung Quốc sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ và những yếu kém nội tại lâu nay đang đẩy nền kinh tế số 2 thế giới đến tình thế khó khăn.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ông Yi Gang, cho biết đang xem xét về một loạt rủi ro trong chính sách tiền tệ, trong đó bao gồm cả một kịch bản xấu nhất.

“Suy nghĩ cuối cùng”

Trong một báo cáo về chính sách vào tháng 8, PBOC đã đề cập đến "suy nghĩ cuối cùng" trong chính sách tiền tệ. Ông Yi đã giải thích vào hôm 14-10 rằng, điều đó có nghĩa là "chúng tôi đang suy nghĩ rất kỹ về tất cả những rủi ro, chuẩn bị cho những ngày đen tối và cả kịch bản tồi tệ nhất".

Đồng NDT đã giảm hơn 9% so với đồng USD trong 6 tháng qua, khiến đây chính là một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á, do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và triển vọng nền kinh tế trong nước tệ hơn.

Dù vậy, ông Yi khẳng định: "Trên thực tế, Trung Quốc đang ở một tình huống rất tốt, với biến động về tổng thể không hề lớn". Ông nói, sự biến động là "về cơ bản tương tự" với các đồng tiền của các quốc gia phát triển và ít hơn nhiều so với những nền kinh tế đang phát triển. "Tăng trưởng kinh tế, tình hình việc làm và biến động mang tính hai chiều của đồng NDT đang nằm trong một phạm vi hợp lý", ông Yi kết luận. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn rất thận trọng.

"Chúng tôi chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Bạn thấy rằng nhiều người ở Trung Quốc hiện đang chuẩn bị đối phó với cuộc chiến thương mại trong trường hợp sẽ trở thành một tình huống kéo dài. Chúng tôi có một cái nhìn rất thẳng thắn rằng chúng tôi nên tìm kiếm giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng, không chỉ chúng tôi, mà còn các nước láng giềng và cả thế giới", ông Yi nói

Theo ông Yi, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm qua các năm và có khả năng sẽ giảm xuống dưới 1% GDP trong năm nay. Có những phần trong cuộc chiến thương mại với Mỹ không được dữ liệu phản ánh, chẳng hạn như các công ty con của Mỹ sản xuất và bán hàng tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố gửi đến Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC), ông Yi cho biết Trung Quốc sẽ không sử dụng tiền tệ như một công cụ đối phó với các xung đột thương mại, mà chính quyền nước này sẽ tiếp tục để thị trường xác định tỷ giá hối đoái.

Cân nhắc gia nhập CPTPP

Theo một số nguồn thạo tin trong Chính phủ Trung Quốc, giới chức nước này đang nghiên cứu khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Động thái này nhằm đối phó chủ nghĩa bảo hộ cũng như chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cho tới nay, Trung Quốc chưa công khai bất cứ sự quan tâm nào với việc gia nhập CPTPP, và trước đó họ từng không đăng ký trở thành thành viên của hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP trước khi Mỹ rút. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là hiệp định này quá phức tạp.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết thái độ với CPTPP đã âm thầm thay đổi ở Bắc Kinh, khi các quan chức nước này trong một vài tháng qua được cho là đã nghiên cứu các khả năng, cũng như tìm kiếm các lời khuyên để tham gia hiệp định.

Giới quan sát cho rằng việc tham gia CPTPP sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các mối quan hệ thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối diện với rủi ro có thể bị Mỹ cô lập về kinh tế. CPTPP có sự bao phủ lớn trong kinh tế toàn cầu với 11 nước thành viên, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

"Tham gia CPTPP có thể trở thành công cụ cho Trung Quốc nhằm đối phó với Mỹ và giúp Bắc Kinh tạo ra mạng lưới thương mại mới ngoài ‘Vành đai và Con đường’ và tổ chức hợp tác Thượng Hải. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc những mạng lưới thương mại khác" - ông Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh), nhấn mạnh.

Văn Nguyễn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/trung-quoc-san-sang-cho-tinh-huong-xau-nhat-518013/