Trung Quốc ra quy định mới về AI, cản trở TikTok bán mình

Những giới hạn mới mà chính quyền Trung Quốc đặt ra cho xuất khẩu công nghệ có thể đánh dấu chấm hết cho thương vụ bán lại TikTok ở Mỹ.

ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok đang phải chịu sức ép từ hai quốc gia. Họ bị Mỹ dồn vào thế buộc phải bán TikTok tại Mỹ nếu muốn tiếp tục hoạt động tại đây. Tuy nhiên, thương vụ có thể đổ bể với các quy định mới từ Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 29/8 đã thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo vào danh sách các loại hàng hóa cần được kiểm soát khi xuất khẩu. Cụ thể, "công cụ gợi ý nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" cùng nhiều công nghệ khác được liệt kê vào danh sách hàng hóa dùng cho cả dân dụng lẫn quân đội, và việc bán ra nước ngoài sẽ bị hạn chế.

 ByteDance, chủ sở hữu TikTok sẽ gặp khó với quy định mới nếu muốn bán ứng dụng này. Ảnh: AP.

ByteDance, chủ sở hữu TikTok sẽ gặp khó với quy định mới nếu muốn bán ứng dụng này. Ảnh: AP.

"Vũ khí bí mật" của TikTok

Tuy danh sách này không trực tiếp nhắc đến TikTok, hệ thống gợi ý video được coi là một trong những tính năng mạnh mẽ nhất của ứng dụng này. Dựa trên thuật toán do các kỹ sư ByteDance phát triển, TikTok sẽ gợi ý video tiếp theo phù hợp và thu hút nhất với người dùng.

New York Times nhận định thuật toán này, được TikTok gọi là "for you page" là tài sản quý giá nhất của TikTok.

Mỗi lần chạm, lướt, xem video trên TikTok người dùng sẽ bổ sung một điểm dữ liệu cho nền tảng này. TikTok thu thập hàng tỷ điểm dữ liệu đó, đưa vào công cụ máy học khổng lồ của mình để huấn luyện cho trí tuệ nhân tạo khả năng dự đoán video tiếp theo phù hợp nhất, có thể giữ người dùng ở lại lâu nhất. Đây chính là "công thức bí truyền" giúp giữ chặt người xem lại trên TikTok.

Thuật toán gợi ý được xem là tính năng quan trọng nhất, khiến người dùng gắn bó với TikTok. Ảnh: Grow.

Công thức này có thể mang yếu tố văn hóa, ví dụ dùng những video ở Trung Quốc hay Ấn Độ để thu hút người xem Mỹ. Nó có thể dựa vào nhạc bắt tai hay điệu nhảy cuốn hút. Nó cũng có thể dựa vào các hiệu ứng hấp dẫn chỉ có trên TikTok. Thậm chí, TikTok hiện tại cũng có thể lấy dữ liệu từ Douyin, phiên bản nội địa của nó, để gợi ý cho người dùng quốc tế.

Eugene Wei, một lãnh đạo lâu năm trong giới công nghệ, nhận định FYP giống như mũ chọn nhà trong chuyện Harry Potter, một bộ máy phân tích để đưa ra những lựa chọn phù hợp dựa trên hành vi của người dùng.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã nhận định sẽ rất khó để chủ sở hữu mới của TikTok vận hành ứng dụng này tốt như hiện tại nếu như không mua lại cả thuật toán FYP. Tuy nhiên, ByteDance nhiều khả năng chỉ bán TikTok ở Mỹ và một số thị trường, và vẫn tiếp tục kiểm soát FYP.

Thuật toán khiến người dùng bị "nghiện" TikTok có thể bị Trung Quốc cấm bán ra nước ngoài. Ảnh: Later.

Đây sẽ là rào cản đối với chủ sở hữu mới của TikTok nếu thương vụ này diễn ra. Thậm chí kể cả khi mua được thuật toán, chủ sở hữu mới cũng sẽ phải "bắt đầu lại từ đầu", theo nhận định của Karl Higley, kỹ sư từng tham gia xây dựng hệ thống đề xuất trên Spotify.

"Để có thể cá nhân hóa ứng dụng cho khách hàng hiện tại, họ sẽ cần dữ liệu lịch sử của những người dùng Mỹ, nếu không họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này có thể đem lại trải nghiệm tệ hại cho người dùng", ông Higley chia sẻ với New York Times.

Khe cửa hẹp của TikTok

"Nếu ByteDance muốn bán các công nghệ liên quan, họ sẽ phải trải qua quá trình xin giấy phép", Cui Fan, giáo sư thương mại quốc tế tại Bắc Kinh nói với Tân Hoa Xã.

Quy trình này có thể kéo dài tới 30 ngày, và sẽ khiến cho quá trình đàm phán giữa ByteDance với bất kỳ đối tác nào trở nên phức tạp hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance phải bán lại TikTok trước ngày 12/11 nếu vẫn muốn hoạt động tại thị trường Mỹ.

Trung Quốc có thể đang muốn thể hiện mình cũng có tiếng nói trong thương vụ TikTok. Ảnh: Xinhua.

Kevin Mayer, CEO TikTok vừa từ chức tuần qua, viết trong thư từ biệt rằng ông hy vọng công ty "sẽ sớm đạt được giải pháp". Theo Nikkei, ý này có thể hiểu là TikTok đã tìm được đối tác phù hợp để ký hợp đồng bán mình.

Microsoft là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thương vụ này. CEO Microsoft là Satya đã tới gặp ông Trump vào đầu tháng 8 để bàn về việc mua lại TikTok. Bên cạnh đó, còn một số công ty khác có khả năng sẽ tham gia thương vụ như Oracle, Triller Walmart và cachính nhóm nhà đầu tư người Mỹ của TikTok.

Tuy nhiên, New York Times nhận định động thái mới của Trung Quốc có thể khiến các đối tác muốn mua lại TikTok, phần lớn đều đang hoạt động ở quốc gia này, cảm thấy lo ngại.

"Hiểu đơn giản thì Trung Quốc đang thể hiện rõ là họ có tiếng nói trong thương vụ này, chứ không phải chỉ ngồi nhìn. Đó có thể là nỗ lực để ngăn chặn thương vụ, giúp nâng giá, hoặc đưa vào các điều kiện có lợi cho Trung Quốc trong tương lai", Scott Kennedy, nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington nhận định.

Ông Kennedy cũng cho rằng đây là lần hiếm hoi mà Mỹ và Trung Quốc đồng ý về một quan điểm: TikTok là một mối lo tới an ninh quốc gia.

Kevin Mayer, CEO TikTok vừa từ chức ngày 27/8 tin rằng TikTok sẽ sớm tìm được giải pháp. Ảnh: FT.

"Giống như mọi quy định từ Trung Quốc, sẽ phải mất thời gian mới có thể hiểu rõ các tác động của nó và liệu quy định mới sẽ được hiểu như thế nào đối với các giao dịch cụ thể", Ross Darrell Feingold, luật sư và nhà phân tích rủi ro chính trị cho các công ty đa quốc gia nói với Nikkei Asian Review.

"Việc hành động sớm, và có thể là cấm xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp Trung Quốc tránh được các trường hợp tương tự như TikTok trong tương lai", ông Feingold nói thêm.

Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-khong-muon-tiktok-ban-minh-post1126031.html